Thời gian gần đây, nhiều người liên tục nhận được điện thoại tự nhận là nhân viên tín dụng của ngân hàng để hỗ trợ rút tiền mặt miễn phí tương đương với hạn mức thẻ sử dụng thẻ tín dụng họ đang sử dụng. Trong một vài trường hợp, các đối tượng này cũng thường xuyên “chào mời” về việc nâng cấp hạn mức thẻ, dễ dàng đáo hạn hằng tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp.
Càng cuối năm càng “nóng”
Sau khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng yêu cầu cung cấp các thông tin thẻ như: chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng, mã CVV (3 số bảo mật phía sau thẻ). Thậm chí kẻ gian còn tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách yêu cầu che đi mã CVV trước khi cung cấp thông tin. Tiếp đó, chúng yêu cầu cung cấp mã OTP giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng và số tiền cần rút. Sau khi có đầy đủ thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện quẹt thẻ thông qua các gian hàng trên một website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng, để chiếm đoạt... Hoặc dùng để thanh toán bất chính trên các sàn thương mại điện tử. Nạn nhân sau khi bị trừ hết số tiền trong tài khoản mới phát hiện thì các đối tượng cũng đã “cao chạy xa bay”.
Về phía các ngân hàng đều khẳng định, không cung cấp bất kỳ dịch vụ đăng ký rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hay dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng lấy phí qua kênh nhân viên tư vấn mở thẻ hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng. Khách hàng muốn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chỉ có thể thực hiện tại máy ATM và có sử dụng mã PIN.
Cùng đó các ngân hàng cũng khuyến cáo, việc yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như toàn bộ thông tin 16 số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã bảo mật CVV hoặc mã OTP khi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng đều là lừa đảo. Dịch vụ hỗ trợ thẻ tín dụng của các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin trên.
Mới đây nhất, cuối tháng 12/2022, Công an quận Tân Bình (TPHCM) phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đánh sập một mạng lưới lừa đảo rút tiền từ thẻ tín dụng, trên địa bàn TPHCM. Tạm giữ tổng cộng 86 đối tượng, 109 máy tính để bàn, 67 laptop, 1 máy in, 118 điện thoại di động các loại, 2 xe ô tô, 46 xe máy các loại, 27 thẻ ngân hàng của các đối tượng.
Trước đó, tháng 8/2022, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) đã phát đi cảnh báo về việc liên tục ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo hệ thống các ngân hàng gọi điện khách hàng hỗ trợ rút tiền qua thẻ tín dụng với lãi suất 0%. Mục đích của chúng là lừa đảo, đánh cắp thông tin người dùng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Chỉ vì những chiêu thức dẫn dụ trên mạng xã hội, nhiều người đã bị các đối tượng lừa số tiền hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Như Ý.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Luật sư X, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, cuối năm là thời điểm nhạy cảm khi nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân tăng cao đột biến. Đây là cơ hội thuận lợi cho các đối tượng tội phạm công nghệ cao thực hiện các hành vi lừa đảo thông qua việc chào mời rút tiền từ thẻ tín dụng với chi phí 0 đồng. Ngoài quy định về mức xử phạt dành cho hành vi lừa đảo qua mạng tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, các đối tượng lừa đảo cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Hành vi lừa đảo rút tiền thẻ tín dụng chiếm đoạt tài sản này hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) và bị xử phạt tùy vào mức độ vi phạm” - Luật sư Đoàn khẳng định và cho biết người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng. Phạt từ từ 7 đến 15 năm nếu chiếm đoạt số tiền từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Dù quy định đã rõ ràng với những mức xử phạt đủ sức răn đe, tuy nhiên tình trạng lừa đảo thông qua ngân hàng vẫn tiếp diễn phức tạp với các chiêu thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Do sử dụng công nghệ cao với máy móc, kĩ thuật và phần mềm hiện đại, chúng dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng để thực hiện hành vi phi pháp của mình.
Thực tế cho thấy với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, hành vi lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi, khó nhận biết. Do đó, người dân cần thực sự cảnh giác, không cung cấp thông tin về các dịch vụ ngân hàng số gồm tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP), hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ ai. Không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn hay email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng