Theo Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử, nổi bật như: Hội nghị thương mại điện tử OCOP; hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử; hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng.
Các chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh thị trường nội địa, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba cũng được triển khai. Thông qua đó, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng có thể xuất khẩu trực tiếp đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Sách Trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, sau 7 năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, thương mại điện tử Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự báo đạt 260 - 285 USD/người trong năm 2022.