Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển. Khoa học công nghệ được ví như chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Công nghệ có thể giải quyết rất nhiều nhu cầu đang gặp khó như giao tiếp, làm việc và học tập từ xa, sử dụng dữ liệu lớn để phát triển kinh tế - xã hội.
Lĩnh vực nào nổi bật và phát triển trong năm 2022 nhờ ứng dụng hiệu quả chìa khóa số? Những lĩnh vực nào đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ?
Chìa khóa số sẽ "giải mã" những câu chuyện chuyển đổi số trong năm vừa qua.
Ấn tượng Khoa học và Công nghệ Việt Nam 2022: Chìa khóa số
Số hóa dữ liệu dân cư
Việc áp dụng khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn.
Tính đến ngày 21/12/2022, số lượng cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ người dân đi khám bệnh đạt 98,2%.
Nhờ có dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục, hồ sơ được tiến hành ngay tại nhà. Sau đó, chỉ cần một lần đến UBND phường, người dân đã được chứng nhận đăng ký kết hôn. Trước đây, mỗi lần làm thủ tục này đều tốn thời gian, phải đi lại phường nhiều lần. Nhưng lần này, nhờ có dịch vụ công online, thủ tục đã thuận tiện, nhanh chóng hơn rất nhiều.
Đây là một trong 25 dịch vụ công thiết yếu được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia khi triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, gọi tắt là Đề án 06.
Bắt đầu từ 1/1/2023, hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị bãi bỏ, không còn giá trị sử dụng. Dù là tại quận trung tâm của thủ đô hay tại một thị trấn còn nhiều khó khăn, việc triển khai Đề án 06 cũng đã được thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc và đạt được những kết quả đáng khích lệ, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
Tại Thái Nguyên, nơi số hóa hộ tịch được thực hiện đạt 100%, không chỉ người dân ở những thành phố, thị trấn được hưởng lợi mà ngay cả đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, bản xa xôi cũng cảm nhận được sự thuận tiện của việc số hóa này. Với sự tích cực, chủ động và quyết liệt của chính quyền từ địa phương đến cơ sở, việc số hóa dữ liệu dân cư đã mang lại nhiều lợi ích cho chính người dân.
Đề án 06 được triển khai tốt sẽ là chìa khóa để người dân và chính quyền mở ra kỷ nguyên số với những thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công.
Nông nghiệp
Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra mà còn tiếp tục giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
Nhờ việc chủ động linh hoạt điều hành sản xuất, ứng phó sau đại dịch, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó phải kể đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp đã được xác định là một nhiệm vụ cũng như là công cụ hữu hiệu của ngành nông nghiệp nói chung và của các cơ sở sản xuất nông nghiệp nói riêng. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là làm sao để khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đây cũng là một trong những mục tiêu và là kim chỉ nam của ngành nông nghiệp.
Với vai trò là một đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả có khoảng 7.000 m2 nhà lưới làm nơi nhân giống và trình diễn hoa lan hồ điệp. Dịp Tết năm nay, trung tâm đang trồng thử nghiệm hàng nghìn cây lan hồ điệp với tổng cộng 28 giống.
Công nghệ 4.0 giúp quản lý, điều khiển từ xa, giúp các kỹ sư có thể tính toán, kiểm soát các yếu tố đầu vào như chất lượng cây giống, chi phí nhân công, chi phí điện năng... Việc kiểm soát tại chỗ các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chế độ dinh dưỡng... đều được lập trình tự đồng đều, tự động điều chỉnh để đảm bảo điều kiện sinh trưởng tối ưu nhất của cây.
Năng lượng
Trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năng lượng là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Chuyển đổi số trong năng lượng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm mới mang tính công nghệ cao hơn, đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong việc vận hành và quản trị sẽ giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn, mang lại năng suất cao hơn.
Trong những năm gần đây, "chuyển đổi số" là từ khóa của mọi lĩnh vực và đang trở thành xu thế tất yếu trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số đồng bộ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Với chiến lược thúc đẩy triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp, từng bước số hóa các quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quy trình quản trị để giảm thời gian, chi phí, gia tăng hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho khách hàng, đối tác, đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, nhiều đơn vị thành viên chủ lực như Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông đã và đang mạnh mẽ triển khai chuyển đổi số đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển, đồng thời góp phần thực hiện thành công chiến lược của tập đoàn.
Từ năm 2019, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông đã thành lập nhóm triển khai công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo, giúp nâng cao hiệu quả các mảng vận hành kỹ thuật, khoan và hoàn thiện giếng, tìm kiếm, thăm dò công nghệ mỏ... Việc tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo đã giúp đơn vị này làm tốt công tác quản trị và kiểm soát nội bộ, giảm giá thành khai thác, vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh hàng năm.
Đến nay, sau 4 năm hình thành và triển khai chương trình chuyển đổi số, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông đã bắt đầu thu về những "trái ngọt" đầu tiên, giúp tiết kiệm nhiều chi phí cũng như tăng hệ số làm việc của giàn.
Theo các phân tích và số liệu của diễn đàn kinh tế thế giới, trong giai đoạn 10 năm (từ 2016 đến 2025), việc triển khai đồng bộ chuyển đổi số có thể tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD lợi nhuận cho các công ty dầu khí và đóng góp khoảng 640 tỷ USD cho xã hội. Do đó, ngành năng lượng là một trong các trụ cột quan trọng phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Văn hóa nghệ thuật
Vừa là kỹ sư công nghệ thông tin, vừa có khả năng sáng tác và biểu diễn âm nhạc, chàng trai trẻ sinh năm 1994 Nguyễn Hoàng Bảo Đại thường được mọi người gọi là "nhạc sĩ biết Code". Anh là một trong những người Việt tiên phong sáng tác âm nhạc bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trên thế giới cũng đã có nghiên cứu về mô hình AI trong âm nhạc, song những mô hình này chủ yếu hướng đến sáng tác nhạc cổ điển, khác nhiều so với thị hiếu nghe nhạc của người Việt Nam. Do đó, muốn có một mô hình sáng tác âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo với những bản nhạc nhẹ, Pop Ballad dễ nghe, phù hợp với người Việt thì anh buộc phải xây dựng những thuật toán riêng.
Ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản.
Hiện nay, vấn đề chuyển đổi số trong các bảo tàng, di tích lịch sử đã được triển khai và phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp với xu thế phát triển hiện tại và đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu của người xem. Khái niệm "Bảo tàng số", "Bảo tàng thông minh", "Bảo tàng ảo" không còn xa lạ, tuy nhiên, mức độ chuyển đổi như thế nào và nội dung chuyển đổi gồm những gì còn tùy thuộc vào từng bảo tàng ở từng lĩnh vực, địa phương khác nhau để lựa chọn cách làm phù hợp cho đơn vị mình. Chuyển đổi số là bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di tích, di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch như: triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích, cung cấp thông tin cho khách tham quan; hình thành và phát triển nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch như hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống quản lý nội dung. Trung tâm cũng hỗ trợ thuyết minh cho khách tham quan bằng thiết bị thuyết minh tự động theo chuẩn quốc tế với 12 ngôn ngữ tiếng bản địa: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc...
Yêu cầu số hóa tài liệu, dữ liệu là thực sự cần thiết vừa đáp ứng yêu cầu lưu trữ dữ liệu, vừa có thể phục vụ cho khách tham quan khai thác tối đa các dữ liệu mà bảo tàng hiện có, từ đó góp phần quảng bá các di sản văn hóa tới đông đảo du khách, đem lại lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thúc đẩy du lịch số phát triển.
Tài chính ngân hàng
Công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới (ICT) đang ngày càng phát triển vượt bậc, chi phối và ảnh hưởng hầu hết mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của các đối tượng tham gia. Ngành tài chính ngân hàng, một trong những ngành kinh tế hiện đại, cũng không nằm ngoài xu hướng đó. ICT đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của dịch vụ tài chính trên khắp toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Trong những năm gần đây, các từ khóa như thanh toán trực tuyến, mã QR, ví điện tử hay quản lý tài chính cá nhân... đã trở nên quen thuộc với bất kỳ người tiêu dùng nào. Đây chính là những hành vi chúng ta sử dụng, thao tác hàng ngày. Có được những điều đó là nhờ một cuộc cách mạng về chuyển đổi số ứng dụng công nghệ được ví những làn sóng mới, làm thay đổi toàn bộ hệ thống cung ứng và vận hành của các dịch vụ tài chính truyền thống.
Không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng trong lĩnh vực thanh toán, Fintech Việt Nam tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác. Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy người dân mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Sự bùng nổ của các giải pháp Fintech do các tổ chức phi ngân hàng phát triển trong thời gian qua đã có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đặc biệt trong việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính. Do được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông, không cần mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch rộng lớn, các công ty Fintech đã và đang thu hút được một lượng lớn khách hàng, đặc biệt là người dân sống ở khu vực vùng xa xôi. Đây là những đối tượng khách hàng mà các ngân hàng, tổ chức tài chính truyền thống còn chưa tiếp cận và phục vụ đầy đủ. Tuy nhiên, không vì thế mà các ngân hàng truyền thống đứng ngoài cuộc chơi.
Có thể thấy, xu thế chủ đạo trong thời gian qua vẫn là mô hình kết hợp giữa Fintech và ngân hàng. Sự kết hợp này đã tạo ra các dịch vụ tài chính, ngân hàng với chất lượng cao, nhiều trải nghiệm và tiện ích hơn, thời gian xử lý nhanh hơn trong khi chi phí dịch vụ lại có thể thấp hơn dựa trên nền tảng công nghệ rẻ hơn, quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Nhờ đó, ngân hàng có thể thu hút được thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ giá trị gia tăng.
Thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng nhìn nhận và nắm bắt được cơ hội phát triển trên nền tảng công nghệ, nhất là xu hướng tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động tài chính vi mô được coi là khởi nguồn của tài chính toàn diện đang dần tiếp cận và ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng nhằm tạo ra các sản phẩm thuận tiện hơn. Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng giúp các ngân hàng mở rộng độ bao phủ, đổi mới mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tới phạm vi khách hàng rộng lớn hơn với chi phí thấp hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững.