Ngày 26/8, tại Hội nghị tìm giải pháp phát triển du lịch khu vực phía bắc của tỉnh, ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, giới thiệu với các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành và lãnh đạo các tỉnh miền Trung nhiều "điểm đến mới" ở thị xã Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão.
Hội đủ điều kiện để du lịch cất cánh
Trong bán kính 50 km, khu vực phía bắc Bình Định hội đủ điều kiện tự nhiên với bãi biển, vùng đồng bằng, trung du, miền núi. "Gành đá Lộ Diệu, bãi tắm, rừng dừa Tam Quan (Hoài Nhơn), bãi biển Mỹ Thọ (Phù Mỹ) đến vườn cây trái tươi xanh huyện Hoài Ân và vùng cao An Lão có đầy đủ bản sắc dân tộc, làng nghề truyền thống để hấp dẫn du khách", ông Toàn nói.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Hoàng. |
Bình Định có 393 cơ sở lưu trú với tổng số phòng đạt 12.156 phòng. Tuy nhiên, khu vực phía bắc địa phương này chỉ có 26 cơ sở lưu trú (chiếm 7,7% so với cả tỉnh). Điều đó cho thấy đầu tư vào du lịch phía bắc Bình Định còn hạn chế trong khi khu vực này giàu tiềm năng phát triển du lịch với văn hóa miền biển, miền núi, làng nghề; các di tích văn hóa lịch sử; tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
Bình Định đã phê duyệt Đề án Định hướng phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Trong đó xác định thị xã Hoài Nhơn là nơi tập trung đón tiếp, phân phối khách đi các khu, điểm du lịch phía bắc và chuyển tiếp tới các khu du lịch phía bam tỉnh...
Cánh đồng lúa chín tuyệt đẹp ở phường Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá Bình Định như "ngôi sao đang lên" trong bản đồ du lịch Việt Nam với nhiều thắng cảnh phố biển Quy Nhơn, Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, Khu dã ngoại Trung Lương. Thời gian tới, dựa trên cơ sở quy hoạch, địa phương này cần định danh, phát triển các điểm điến mới khu vực phía bắc của tỉnh thị xã Hoài Nhơn và các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão.
Liên kết vùng để tạo thương hiệu điểm đến
"Bình Định cần làm rõ các giá trị cốt lõi, đặc sắc, kết nối hạ tầng với các điểm đến mới nhằm tạo điều thuận lợi cho nhà đầu tư đến với các địa phương khu vực phía bắc. Các địa phương này cần liên kết, ứng dụng công nghệ xúc tiến quảng bá, tạo chìa khóa mở ra dòng đầu tư và hấp dẫn du khách đến với vùng đất này", ông Siêu nói.
Cá ngừ đại dương, đặc sản nổi tiếng của thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng khu vực phía bắc tỉnh Bình Định như tờ giấy trắng, cần họa sĩ tốt để định hình phát triển.
Vị chuyên gia tin tưởng trong vòng 5năm tới, đường hàng không, đường bộ và đường ven biển qua bốn địa phương này sẽ được kết nối liên thông thuận lợi. Thời điểm này, Bình Định cần chọn thương hiệu điểm đến; chuyển từ tư duy du lịch điểm thành du lịch vùng, phải có con sếu đầu đàn thì mới thành công.
"Hạ tầng tốt rồi, các địa phương cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch chung cho cả vùng, tránh tình trạng cạnh tranh với nhau kìm hãm phát triển", ông Lịch chia sẻ.
8 tháng đầu năm nay, ngành du lịch Bình Định đã đón gần 3 triệu lượt khách (thuộc top đầu thu hút khách trong năm tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đứng sau Quảng Nam). Doanh thu ngành du lịch tỉnh này đạt được trên 8.000 tỷ đồng.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/nhieu-diem-den-moi-o-binh-dinh-a843.html