Sổ hộ khẩu giấy sắp 'hoàn thành nhiệm vụ'

Tháng 12 là tháng cuối cùng người dân sử dụng sổ hộ khẩu giấy. Sau ngày 31/12/2022, Nhà nước sẽ quản lý trên môi trường điện tử và người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các thủ tục hành chính.

Sổ hộ khẩu giấy được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân sau khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của người đó. Sổ hộ khẩu giấy được sử dụng rất phổ biến trong các thủ tục hành chính và giao dịch dân sự như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thủ tục đăng kí kết hôn, khai sinh…

Và theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Thông tư 55/2021/TT/BCA, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Để thực hiện các thủ tục hành chính, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Theo đó, tài khoản định danh điện tử được đồng bộ các thông tin cơ bản về nhân thân như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế… Danh tính, tài khoản định danh của mỗi cá nhân, tổ chức đều sử dụng duy nhất một mã số là mã định danh. Số này được cấp từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Người dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân, thay cho căn cước công dân gắn chip bản cứng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, một số ý kiến băn khoăn về việc khi sử dụng tài khoản định danh điện tử thay cho CCCD gắn chip thì có nguy cơ bị lộ lọt thông tin hay không? Về vấn đề này, theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực qua ứng dụng VNeID do Bộ Công an phát triển. Sau khi người dân cài VNeID, hệ thống dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài ứng dụng này, nên những phần mềm độc hại khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin cá nhân.

Đặc biệt, chỉ khi công dân đăng ký truy cập, thông tin mới được hiển thị lên ứng dụng. Chủ tài khoản hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho người khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.

Tại Hà Nội, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, tính đến ngày 5/12, toàn thành phố đã thu nhận 85.822 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp, đạt tỷ lệ 28,5% chỉ tiêu Bộ Công an giao, đã thu nhận 3.937.644 hồ sơ cấp định danh điện tử, đạt 63,3%. Riêng chỉ tiêu kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1 là 13.003 trường hợp, mức 2 là 485.175 trường hợp.

Về cấp mã định danh điện tử, Công an thành phố đã làm được 3.937.644/6.220.864, đạt 63%. Thành đoàn Hà Nội là một trong những đơn vị chủ trì trong việc cử cán bộ đoàn thanh niên tổ chức kích hoạt mã định danh điện tử trong dân cư.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/so-ho-khau-giay-sap-hoan-thanh-nhiem-vu-a8312.html