Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần làm gì để chinh phục thị trường quốc tế?

Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV, giá trị thương hiệu quốc gia và sứ mệnh nâng cao giá trị công nghệ số Việt Nam liên tục được đề cập.

150 tỷ USD là doanh thu của ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, 140/150 tỷ USD này là giá trị xuất khẩu ở nước ngoài. Con số cho thấy thực tế là ngành công nghiệp số của chúng ta vẫn đang hoạt động theo hướng gia công từng công đoạn.

Chưa lúc nào mà giá trị thương hiệu quốc gia và sứ mệnh nâng cao giá trị công nghệ số Việt Nam được đề cập nhiều như thời điểm hiện tại. Những ý kiến mới nhất đã được chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội cách đây không lâu.

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần làm gì để chinh phục thị trường quốc tế? - Ảnh 1.

Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ IV có chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu"

Có thể thấy, ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng gấp 24 lần so với năm 2009, công nghiêp công nghệ số được kỳ vọng là một trong những con đường chủ đạo của công nghiệp quốc gia. Cơ hội có nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận chiến lược phát triển doanh nghiệp số Việt Nam, với mục tiêu nâng cao giá trị công nghệ số Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy các sản phẩm Make in Vietnam vươn ra thế giới. Các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp cần nỗ lực sáng tạo, thiết kế thay vì chỉ gia công sản phẩm.

Theo đó, chiến lược thời gian tới sẽ là chuyển dịch sang tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số theo đặc thù của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài, với các tập đoàn tiên phong như Viettel, VNPT, FPT…

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần làm gì để chinh phục thị trường quốc tế? - Ảnh 2.

Các chuyên gia đề xuất những giải pháp, ý tưởng về phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Để thực hiện được chiến lược này, Nhà nước cần có hành lang pháp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số trong nước liên kết với nhau, hình thành hệ sinh thái khai phá thị trường nước ngoài.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Năm 2021, kinh tế số chiếm khoảng 9,6% GDP và trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này khoảng 10,5%. Do đó, con số 30% đang được đánh giá là mục tiêu thách thức nhưng có thể làm được.

Năm 2022 đã có 35 nền tảng số tiêu biểu Make in Vietnam được lựa chọn giới thiệu để phục vụ chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, 100 % sản phẩm, nền tảng này do người Việt thiết kế, sáng tạo và hoàn thiện với các nhóm nền tảng gồm: nhóm Chính phủ số; nhóm tài chính, ngân hàng, kinh doanh; nhóm nền tảng y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, nhóm nền tảng nông nghiệp, giao thông, kho vận, công thương.

Đáng chú ý, tỷ trọng Make in Vietnam trên các sản phẩm công nghệ số tăng từ 27 - 34 %. Doanh thu đạt gần 150 tỷ USD, tăng 10,2%, gấp 1,5 lần tăng trưởng GDP trong năm trước.

Đây là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới gặp nhiều khó khăn trong năm qua. Với nền tảng này và khát vọng nâng tầm mang thương hiệu Việt Nam, chúng ta có quyền hy vọng vào một ngành công nghệ số xứng đáng với tiềm năng mà chúng ta có.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-can-lam-gi-de-chinh-phuc-thi-truong-quoc-te-a8209.html