Dịch vụ nhắn tin ngắn hay còn gọi là SMS (Short Message Services), đã chính thức bước sang tuổi 30 (ngày 3/12). Để kỷ niệm sinh nhật của SMS, Google đã thông báo rằng ứng dụng Tin nhắn của họ sẽ hỗ trợ mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption) cho các trò chuyện nhóm trong ứng dụng Tin nhắn (Messages) của gã khổng lồ công cụ tìm kiếm.
Tuy nhiên, mã hóa đầu cuối (end-to-end encryption) dành cho các cuộc trò chuyện nhóm chỉ khả dụng cho những ai đã đăng ký chương trình thử nghiệm (beta) của ứng dụng Tin nhắn mà thôi.
Ngoài việc công bố mã hóa đầu cuối cho các cuộc trò chuyện nhóm, Google cũng thông báo rằng ứng dụng Tin nhắn sẽ sớm cho phép người dùng tương tác với tin nhắn RCS (Rich Communication Services) bằng cách "thả" bất kỳ biểu tượng cảm xúc nào mà họ thích, tương tự như ứng dụng WhatsApp.
Gã khổng lồ công nghệ đang thúc đẩy các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ áp dụng giao thức RCS. Công ty cũng đã thực hiện các chiến dịch để thuyết phục Apple áp dụng tiêu chuẩn này cho ứng dụng tin nhắn riêng của mình.
Công ty có trụ sở tại Cupertino (ám chỉ Apple) luôn có chủ trương muốn khóa người dùng của mình vào iMessage, và nhiều lần có các kế hoạch khởi chạy phiên bản ứng dụng dành cho Android hoặc bật RCS trên iPhone.
Neena Budhiraja, Giám đốc sản phẩm nhóm Tin nhắn của Google viết trên blog rằng hầu hết thế giới di động đang sử dụng RCS, nhưng có một công ty đang chậm chạp. Bà liệt kê ba lý do để nâng cấp lên RCS, bao gồm bảo mật nhờ mã hóa, trải nghiệm hội thoại được nâng cấp với các chỉ báo thời gian thực, thông báo đã đọc... và tính phổ biến của giao thức cho phép trải nghiệm nhắn tin thống nhất trên các thiết bị.
Dù Google có một số điểm hợp lý để ủng hộ RCS, nhưng cũng có ý kiến cho rằng giao thức này quá muộn trong thế giới tin nhắn. Tuy nhiên, gã khổng lồ tìm kiếm khẳng định Apple nên hỗ trợ nhắn tin RCS để liên lạc tốt hơn giữa iPhone và điện thoại Android.
Google nói hiện tất cả các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ di động lớn đã áp dụng RCS làm tiêu chuẩn, ngoại trừ Apple. "Nhà táo" từ chối RCS và tiếp tục dựa vào SMS khi những người dùng iPhone nhắn tin cho những người dùng điện thoại Android, điều đó có nghĩa là việc nhắn tin của họ bị kẹt trong những năm 1990.
Dịch vụ SMS và MMS khá lỗi thời so với các tiêu chuẩn hiện nay trên các nền tảng như WhatsApp, Telegram... Nhưng lợi điểm là người dùng không cần phải đăng ký dịch vụ nhắn tin của bên thứ ba để truy cập các tính năng như biên nhận đã đọc và chia sẻ vị trí.
T.M
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/google-chi-trich-apple-khong-ho-tro-tin-nhan-rcs-a7924.html