Dù lượng khách đến Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng 10 tháng của năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 nhưng chủ yếu vẫn là khách nội địa, lượng khách quốc tế vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Gặp khó trong mùa thấp điểm
Hiện nay, mỗi tuần Khánh Hòa đón 4 chuyến bay từ TP Almaty (Kazakhstan) đến Sân bay quốc tế Cam Ranh đưa theo khoảng 1.000 du khách từ các nước Trung Á và khách Nga quá cảnh.
Ông Đỗ Thành Quân, chủ một nhà hàng ở Nha Trang, cho biết nhà hàng có sẵn nhân viên biết tiếng Nga nên lượng khách Nga đến thưởng thức hải sản đang giúp nhà hàng vượt qua khó khăn của mùa du lịch thấp điểm. Tuy nhiên, lượng khách đến từ Trung Á và Nga khá ít so với công suất phục vụ khách của Nha Trang.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, nhìn nhận việc phục hồi thị trường du lịch quốc tế như trước dịch COVID-19 là điều rất khó khăn. Thị trường khách Trung Quốc đang "đóng băng" vì chính sách "Zero COVID-19", thị trường khách Nga vẫn đang tạm ngưng do tình hình xung đột với Ukraine.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Khánh Hòa, ước tính đến hết tháng 10, toàn tỉnh đón gần 2,3 triệu lượt khách lưu trú (tăng gần 365% so với năm 2021); trong đó gần 2,1 triệu lượt khách nội địa, gần 190.000 lượt khách quốc tế. Lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với thời điểm trước dịch (năm 2019, Khánh Hòa đón hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế).
Hàn Quốc hiện là thị trường khách lớn nhất của Khánh Hòa với hơn 100.000 khách, chiếm 52,6% tổng lượng khách quốc tế trong 10 tháng năm 2022. Tuy nhiên, lượng khách này đã giảm trong thời gian gần đây. Theo Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh, hãng hàng không Jeju Air đã tạm ngưng khai thác đường bay Incheon - Cam Ranh; Air Busan tạm ngừng khai thác chặng bay Busan - Cam Ranh và giảm tần suất đường bay Incheon - Cam Ranh từ 4 chuyến/tuần còn 2 chuyến/tuần từ ngày 4-9. Như vậy, trung bình mỗi tuần hiện chỉ còn 23 chuyến bay từ Hàn Quốc đến Cam Ranh.
Các thị trường như Đông Nam Á phục hồi khá chậm vì chưa có đường bay thẳng đến Cam Ranh; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ cũng đã quay trở lại nhưng còn rải rác, chủ yếu từ TP HCM và Hà Nội đi tự túc, khách lẻ.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, tính tới cuối tháng 10, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt gần 4,4 triệu lượt, tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 465.000 lượt, tăng gấp 29 lần so với cùng kỳ năm trước.
Dù lượng khách đến Quảng Nam tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, các doanh nghiệp du lịch vẫn đang trong tình trạng khá khó khăn. Tại buổi gặp mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam mới đây, bà Trần Thị Chi Mai, chủ đầu tư Tập đoàn Silk Group (Hội An), cho biết thống kê trong những tháng mùa hè, bình quân mỗi ngày tập đoàn đón khoảng 3.000 lượt khách nhưng thị trường cũng mới dừng lại ở khách nội địa và trong thời gian ngắn (từ tháng 4 đến tháng 8); khách nước ngoài như châu Âu, Bắc Mỹ, Hàn Quốc… chưa nhiều, trong khi Quảng Nam đã bước vào mùa mưa bão.
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (bìa phải) - cùng lãnh đạo Hãng Hàng không VietJet Air và những hành khách đầu tiên của chuyến bay Đà Nẵng đi New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: HẢI ĐỊNH
Khách quốc tế tham quan Hội An (Quảng Nam) tăng mạnh nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Mở nhiều đường bay, tìm kiếm thị trường mới
Ngành du lịch Khánh Hòa đã nỗ lực quảng bá để mở rộng hơn nữa thị trường khách Hàn Quốc bằng việc xúc tiến thêm nguồn khách từ Seoul, Busan đến Khánh Hòa. Thị trường Ấn Độ thì cần có thời gian để chuẩn bị, nhất là việc mở các đường bay thẳng.
Tại tỉnh Quảng Nam, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, địa phương này đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa, giải trí, tăng cường quảng bá nhằm kích cầu du lịch, nhờ đó số lượt khách du lịch tăng cao so với năm ngoái. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết trước mắt, thị trường khách nội địa vẫn sẽ là ưu tiên, trong đó khách các tỉnh phía Bắc được xác định là dòng khách chính. Tỉnh đang triển khai các chương trình xúc tiến để thu hút thị trường khách quốc tế đến từ các nước như Ấn Độ, Malaysia, nhất là khách Ấn Độ bởi Quảng Nam có khu đền tháp Mỹ Sơn rất có lợi thế để đón dòng khách này. Về lâu dài, thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ vẫn là dòng khách chủ đạo của du lịch Quảng Nam.
Tại TP Đà Nẵng, tần suất một chuyến/ngày từ các đường bay của thị trường Ấn Độ và 3 chuyến/tuần của thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đã mang lại sự sôi động, nhộn nhịp tại khu vực ga đến quốc tế. Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, 10 tháng năm 2022, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ ước khoảng gần 3,1 triệu lượt, tăng 182,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế khoảng 354.400 lượt, tăng 275,5% so với cùng kỳ.
Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết đến hết tháng 9, tỉ lệ phục hồi các đường bay quốc tế so với năm 2019 đạt khoảng 30%. Dự kiến từ nay đến quý I/2023, có khoảng 3.800 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng; bình quân 180-190 chuyến bay/tuần.
Nhằm phục hồi thị trường khách quốc tế, TP Đà Nẵng đang huy động các nguồn lực cho việc xúc tiến quảng bá du lịch; ưu tiên ngân sách và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, hãng hàng không cùng hợp lực đẩy mạnh xúc tiến truyền thông đồng bộ, hiệu quả đến các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN... và các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời mở các đường bay mới đến Úc, sớm khôi phục đường bay Qatar - Đà Nẵng.
Đề xuất xã hội hóa để quảng bá du lịch
Sở Du lịch TP Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng dài hạn đặt trong bối cảnh cạnh tranh với các điểm đến trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ, liên kết các điểm đến, các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương để triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch trên địa bàn thành phố.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/chat-vat-thu-hut-khach-quoc-te-a7383.html