Sức mạnh to lớn của khởi nghĩa Nam Kỳ

(NLĐO) - Khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện sức mạnh to lớn và tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng.

Ngày này cách đây tròn 82 năm (23.11.1940 - 23.11.2022), tại hầu khắp các tỉnh Nam Kỳ, quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Mặc dù kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, kẻ thù thẳng tay đàn áp, nhưng tinh thần và khí thế ngút trời của cuộc khởi nghĩa năm xưa vẫn còn vang vọng trên quê hương "Thành đồng Tổ quốc".

Từ tình thế cách mạng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 6 (tháng 11-1939) mở ra một thời kỳ đấu tranh mới: thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng để đấu tranh vũ trang, hướng tới mục tiêu giành chính quyền.

Từ ngày 21 đến 27-7-1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập Khoáng đại Hội nghị toàn Xứ (Hội nghị Xứ ủy mở rộng) tại tỉnh Mỹ Tho với sự tham dự của đại diện 19 tỉnh trong số 21 tỉnh Nam Kỳ. Hội nghị quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng, thống nhất chủ trương khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và đề ra những công việc cần kíp trước mắt. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy.

Từ ngày 21 đến 23-9-1940, Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên triệu tập hội nghị Xứ ủy mở rộng tại Xuân Thới Đông (quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định) để xác định đường hướng cho cuộc khởi nghĩa. Hội nghị chọn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn xứ Nam Kỳ.

Trong hai ngày 15 và 16-11-1940, Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên chủ trì hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ ở Hóc Môn, theo ý kiến đa số, quyết định hạ lệnh khởi nghĩa.

Sức mạnh to lớn của khởi nghĩa Nam Kỳ - Ảnh 1.

Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: Tư liệu

Sau Hội nghị Xứ ủy, tình hình có nhiều biến động bất lợi cho lực lượng khởi nghĩa. Một số cơ sở bị lộ do có gián điệp trà trộn vào nội bộ. Chính quyền thực dân đã thu được tài liệu kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa, nên đã có kế hoạch đối phó.

Ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn, quyết định giờ nổ ra khởi nghĩa là 24 giờ đêm 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ thành phố Sài Gòn.

Đến nhận thức về thời cơ cách mạng

Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9-11-1940, rút kinh nghiệm từ thực tế khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), nhận thấy "chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng" (1), quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì điều kiện chưa chín muồi. Đồng chí Phan Đăng Lưu thừa lệnh của trung ương trở về Sài Gòn truyền đạt chỉ đạo hoãn khởi nghĩa nhưng không kịp, nên cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá... Ở nhiều vùng nông thôn trong toàn xứ Nam Kỳ rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn bốt, công sở của địch bị phá.

Tại khắp các tỉnh thành Nam Kỳ, nhất là ở Mỹ Tho, quần chúng nhân dân nổi dậy chiến đấu vô cùng quả cảm với vũ khí chỉ được trang bị thô sơ. Tại nhiều nơi, bộ máy chính quyền địch tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập, tịch thu ruộng đất, tài sản của thực dân Pháp và tay sai chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng...

Lần đầu tiên, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong các cuộc đấu tranh và những nơi thành lập được chính quyền cách mạng.

Sức mạnh to lớn của khởi nghĩa Nam Kỳ - Ảnh 2.

Lược đồ khởi nghĩa Nam Kỳ. (Nguồn: Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TP HCM, khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1990)

Thực dân Pháp mặc dù biết trước được kế hoạch khởi nghĩa, chuẩn bị phương án đối phó, nhưng cũng bất ngờ trước khí thế cách mạng. Trên hầu khắp Nam Kỳ, chính quyền thực dân huy động lực lượng tiến hành chiến dịch khủng bố trắng cực kỳ tàn khốc, càn quét các vùng khởi nghĩa. Chỉ trong thời gian từ ngày 23-11 đến ngày 31-12-1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp đã bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo và các trại tập trung, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy và các Tỉnh ủy.

Nhiều bài học có ý nghĩa thực tiễn

Thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, mà chủ yếu là nổ ra trong bối cảnh chưa thật sự chín muồi về thời cơ cách mạng. Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công, nhưng đã để lại nhiều bài học vô giá, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với những chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, mà trước hết là bài học về nắm bắt và vận dụng thời cơ.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng cho tầm quan trọng của việc nắm bắt thời cơ trong những quyết sách lịch sử. Bài học đó được Đảng vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo để làm nên những thắng lợi mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam như thành công của Cách Mạng Tháng Tám 1945, Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, hay công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay.

Trong giai đoạn hiện nay, bối cảnh của xu hướng toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hay những tác động của tình hình địa chính trị - địa kinh tế của khu vực và thế giới… đang đặt ra cho Việt Nam những thời cơ xen lẫn thách thức to lớn.

Do vậy, chúng ta cần vận dụng bài học về đánh giá đúng thời cơ, nhận thức rõ thách thức để tận dụng được cơ hội, từ đó "biến nguy thành cơ", khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Những bài học và giá trị lịch sử của Nam Kỳ khởi nghĩa mãi mãi là kho tàng vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Tiếng súng báo hiệu khởi nghĩa toàn quốc

Do thời cơ chưa xuất hiện, khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại. Song khởi nghĩa Nam Kỳ đã thể hiện sức mạnh to lớn và tinh thần anh dũng quật khởi của quần chúng cách mạng.

Khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn và binh biến Đô Lương là "Những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương", tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của nhân dân Nam Bộ, là "tiếng kèn xung trận" của nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ của Đảng. (2)

* (1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, trang 58.

(2): Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, trang 109.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/suc-manh-to-lon-cua-khoi-nghia-nam-ky-a6904.html