Sự thật về chiếc máy bay biến mất ở Mỹ

Máy bay mang số hiệu 914 của Pan Am (Mỹ) được cho là mất tích vào năm 1955. Từ đó đến nay, chiếc máy bay này vẫn khiến nhiều người quan tâm.

Chiếc máy bay được cho là mất tích. Ảnh: Plane Pilot.

Chiếc máy bay trong câu chuyện này là một chiếc Douglas DC-4 với 57 khách, 6 phi hành đoàn. Máy bay cất cánh từ sân bay thành phố New York đến Miami (Florida, Mỹ). Ngày định mệnh đó là 2/7/1955.

Biến mất và xuất hiện

Chuyến bay vốn chỉ kéo dài vài giờ. Tuy nhiên, nó đã không bao giờ xuất hiện tại Miami.

Sau 3 giờ bay, chỉ huy và phi công phụ đã mất liên lạc với bộ phận không lưu. Chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Sau vụ việc, các đội cứu hộ cũng lập tức được thành lập để tìm kiếm.

Ban đầu, họ nghĩ máy bay gặp tai nạn. Có thể nó đã rơi xuống vùng biển Đại Tây Dương. Dù vậy, họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào để chứng minh cho điều này. Việc tìm kiếm không có kết quả. Nhà chức trách cũng dừng cuộc tìm kiếm.

Vào 8/9/1992, những người ở bộ phận kiểm soát không lưu tại sân bay thành phố Caracas (Venezuela) phát hiện một vật thể bay không xác định trong không phận của họ. Sau khi trao đổi, đầu dây bên kia thông báo đây là chuyến bay 914 từ New York đi Miami của Pan America (Pan Am).

may bay roi anh 1

Hành khách trên một chuyến bay của Pan Am. Ảnh: CNN.

Sau khi xác nhận một số thông tin, máy bay này yêu cầu được hạ cánh. Yêu cầu được chấp nhận. Chiếc máy bay mất tích 37 năm đã xuất hiện tại Venezuela. Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của các nhân viên sân bay, chiếc máy bay lại lao khỏi đường băng rồi biến mất. Mọi thứ lại bí ấn như khi chiếc máy bay này mất tích vào năm 1955.

Nhiều giả thuyết đã xuất hiện xoay quanh vụ mất tích nổi tiếng này. Đa số tin chiếc máy bay đã đi nhầm vào một loại cổng thời gian. Do đó, thay vì hạ cánh ở Miami vào năm 1955, nó lại xuất hiện tại Venezuela sau hơn 30 năm. Khi rời Caracas vào năm 1992, có vẻ nó đã trở lại cổng thời gian này một lần nữa.

Sự thật

Câu chuyện này từng gây ra cuộc tranh luận lớn. Tuy nhiên, qua thời gian, các bằng chứng đã cho thấy đây hoàn toàn toàn là chuyện bịa đặt.

Trang đưa tin đầu tiên về vụ mất tích là Weekly World News, ấn bản xuất hiện lần đầu tiên năm 1985. Tờ này nổi tiếng là lá cải, thường xuyên đăng tải những câu chuyện điên rồ, bịa đặt. Weekly World News đã đăng lại vụ mất tích 2 lần vào những năm 1990 với nhiều thông tin bị sửa đổi.

Hài hước nhất là việc trong 2 lần đăng lại câu chuyện, tờ này sử dụng ảnh của 2 người đàn ông khác nhau. Tuy nhiên, họ đều được gán cho thân phận nhân viên kiểm soát không lưu Juan de la Corte - nhân chứng quan trọng trong vụ mất tích.

Mặt khác, AFP cũng chỉ ra hình ảnh máy bay xuất hiện trên Weekly World News là hình mẫu. Máy bay này không phải của Pan Am. Nó là cũng là chiếc DC-4 nhưng của đối thủ TWA.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng không đề cập đến chuyến bay bí ẩn này trong bất kỳ hồ sơ tai nạn nào từ năm 1934 đến 1965. Bản thân hãng bay cũng xác nhận đây là thông tin giả. Vụ biến mất trong tưởng tượng này được tạo ra để câu kéo sự tò mò của độc giả.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/su-that-ve-chiec-may-bay-bien-mat-o-my-a6811.html