Du khách tắm biển Vũng Tàu. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chia sẻ với Zing, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết năm 2022 chứng kiến những thay đổi lạ của du lịch Việt, đặc biệt ở thị trường nội địa. Điều này đem lại những điều tốt và cả những mặt khó lường với doanh nghiệp.
Khách đổi thói quen, tour cuối năm "ế"
Từ năm 2019 về trước, khách nội địa Việt Nam có thói quen du lịch khá rõ ràng. Họ không đi nhiều dịp đầu năm, chủ yếu là nhóm gia đình du xuân, du lịch tâm linh. Cao điểm du lịch rơi vào tháng 6 đến giữa tháng 8.
Du lịch sẽ yên ắng khoảng 2 tháng trước khi bước vào dịp cuối năm. Lúc này, thị trường nội địa sẽ tập trung vào các vùng núi phía bắc, nơi có thời tiết mát mẻ. Phú Quốc (Kiên Giang) cũng là điểm đến tốt khi bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm khách quốc tế tới Việt Nam nhiều.
Tuy nhiên, năm nay, khi du lịch Việt Nam bắt đầu mở lại, tâm lý "xổ lồng" khiến du khách đi du lịch liên tục từ khoảng sau Tết Nguyên Đán. "Cơn say du lịch" này kéo dài tới khoảng đầu tháng 8 và chững lại. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel, cho biết du khách có xu hướng "du lịch trả thù" sau thời gian dài giãn cách.
Dù vậy, việc du lịch nội địa bùng nổ quá đà cũng không phải điều tốt. Trao đổi với Zing, nhiều doanh nghiệp cho biết du khách đã đi quá nhiều trong năm nên tới cuối năm, con số sụt giảm đáng kể.
Du khách vui chơi một công viên giải trí lớn tại Phú Quốc. |
Đại diện công ty Du lịch Việt xác nhận lượng khách đặt sản phẩm cuối năm của họ chưa thực sự tốt. Trong khi đó, hồi trước dịch, cuối năm là thời điểm đã nhiều người đặt tour, dịch vụ du lịch cho đầu năm mới.
Trong khi đó, bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị - Công nghệ của BenThanh Tourist, chia sẻ thêm: "Lượng khách đặt tour Tết nước ngoài đã đạt phần lớn kế hoạch. Tuy nhiên, thị trường tour Tết du lịch trong nước vẫn còn im ắng. So với thời điểm trước dịch, giá tour Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-15% do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố giá xăng, vé máy bay, số lượng các chuyến bay còn hạn chế".
Có thể thấy, thói quen của du khách Việt đã có sự thay đổi trong năm 2022. Tuy nhiên, không ai chắc chắn thói quen này sẽ được lặp lại trong năm 2023. Điều này tạo ra một bài toán cho các công ty lữ hành khi phải dự đoán được chính xác xu hướng du lịch của khách để đầu tư sản phẩm phù hợp.
Thiếu khách quốc tế
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, cũng chỉ ra một vấn đề lớn là dù du lịch nội địa bùng nổ mạnh mẽ, doanh thu của ngành cũng không bằng năm 2019 - đỉnh cao của du lịch Việt trước dịch.
Cụ thể, 10 tháng đầu năm nay, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm 2019, tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam là hơn 720.000 tỷ đồng.
Con số này chắc chắn không thể khỏa lấp khi du lịch nội địa đang vào mùa thấp điểm. Ông Thắng lý giải thêm giá dịch vụ thấp hơn sau 2 năm dịch, lượng cung đang cao hơn cầu. Ngoài ra, sự thiếu hụt khách quốc tế cũng ảnh hưởng lớn tới doanh thu của ngành du lịch.
Du khách Ấn Độ đi dạo ở khu vực quận 1, TP.HCM. Ảnh: Anh Tú. |
Hiện tại, vấn đề thiếu hụt khách quốc tế gây khá nhiều khó khăn cho du lịch Việt Nam. Dù chưa hết năm, mục tiêu 5 triệu khách quốc tế coi như đã đổ vỡ. Dù vậy, theo ông Thắng, thiếu hụt khách quốc tế là vấn đề chung của nhiều nước, không riêng Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất của Việt Nam là thiếu hụt 2 nguồn khách lớn từ Trung Quốc và Nga do những nguyên nhân khác nhau. Trao đổi với Zing, nhiều chuyên gia trong ngành nhận xét Ấn Độ có thể trở thành thị trường tiềm năng trong năm tới.
Đây là thị trường lớn không kém nguồn khách Trung Quốc và có một lợi thế là họ sử dụng tiếng Anh. Do đó, các công ty du lịch không mất công chuyển ngữ khi bán sản phẩm như khách Trung Quốc.
Một lợi thế nữa là du khách Ấn Độ có nhiều nét văn hoá tương đồng với Việt Nam. Do đó, khi đặt tour, họ thường đặt cho cả gia đình. Điều đó giúp các công ty tối ưu được nguồn lực phục vụ.
Bên cạnh du khách Ấn Độ, nhóm khách từ Hàn Quốc cũng được nhiều công ty quan tâm. Hàn Quốc vốn là thị trường inbound hàng đầu của Việt Nam. Nhiều khách trẻ Hàn Quốc thích du lịch Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Hiện nay, nhiều sự kiện giao lưu, văn hóa giữa 2 nước đang được tổ chức từ khi Hàn Quốc mở cửa trở lại. Do đó, đây có thể là nhóm khách tiềm năng.
Tuy nhiên, mọi dự đoán về thị trường khách quốc tế năm 2023 vẫn còn khá mơ hồ do nhiều yếu tố khách quan như lạm phát làm giá cả tăng cao. Vấn đề chính trị giữa Nga và Ukraine cũng là một lý do quan trọng. Sau năm 2022 đảo lộn, năm 2023 hứa hẹn là một thách thức mới với du lịch Việt.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/khach-viet-it-cuong-chan-dip-cuoi-nam-a6643.html