Toàn cảnh thành phố cổ đại Mohenjo-daro. Nadeem Khawar/Getty Images. |
Tại một thị trấn tại Larkana thuộc miền Nam Pakistan, các nhà khảo cổ học phát hiện những tàn tích còn sót lại của thành phố cổ có niên đại gần 4.500 năm. Các nhà khoa học tin thành phố này xuất hiện cùng thời kỳ với nền văn minh Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà.
Mohenjo-daro trong quá khứ là một thành phố giàu có. Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh và cầu cống tại đây khiến các nhà khảo cổ cũng ngỡ ngàng với thiết kế vượt thời đại.
Phần lớn nhà vệ sinh và cống thoát nước đều có mái che. Kể từ lúc tiến hành khai quật lại thành phố cổ, người ta tìm thấy hơn 700 giếng nước và các nhà tắm cá nhân từ thời cổ đại. Tuy nhiên, điều bất ngờ nhất là chiếc bồn tắm khổng lồ có kích thước lên tới 12 x 7 m.
Chiếc bồn tắm sâu 2,5m trở thành biểu tượng của thành phố cổ Mohenjo-daro. Ảnh: Nadeem Khawar/Getty Images. |
Ông Uzma Z Rizvi, nhà khảo cổ học kiêm phó giáo sư tại Viện Pratt (Brooklyn, Mỹ) cũng là tác giả nghiên cứu về Mohenjo-daro, cho biết: “Sự hiện đại đáng kinh ngạc của hệ thống vệ sinh này thậm chí là mơ ước của chúng ta ngày nay”.
Tuy không phải là thành phố xuất hiện sớm nhất trên thế giới, nơi đây vẫn là một vùng đất hưng thịnh và giàu có. Theo BBC, dựa vào những tư liệu hiện có, các nhà khảo cổ học cho rằng thành phố rộng lớn này có thể kéo dài Đông Bắc Afghanistan đến Tây Bắc Ấn Độ. Đây cũng là một khu vực rất phát triển và đạt cực thịnh khoảng năm 2500-1700 trước Công nguyên, trong Thời kỳ đồ đồng.
Cái tên Mohenjo-daro nghĩa là "nấm mồ của người chết" theo tiếng Sindhi. Irshad Ali Solang - hướng dẫn viên bản địa cho biết: “Thành phố này đã từng có xã hội, văn hóa thậm chí là tôn giáo với nền kinh tế phát triển. Tất cả điều này dường như có ảnh hưởng ít nhiều bởi hai nền văn minh lớn là Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà”.
Bên cạnh đó, thành phố cổ đại Mohenjo-daro với vị trí nằm ở mạn tây sông Indus cũng đã tự xây dựng những hệ thống đê ngăn lũ và thoát nước để đối phó với tình trạng lũ lụt hàng năm.
Cư dân tại đây cũng đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thương đường biển trải dài từ Trung Á đến Trung Đông. Trong hàng thế kỷ, họ đã sản xuất ra những đồ dùng bằng gốm, đồ trang sức, tượng nhỏ và các mặt hàng khác... Chúng được chạm khắc tinh xảo, xuất hiện ở khắp nơi từ khu vực sông Lưỡng Hà đến Oman.
Bình gốm là một trong những sản phẩm thủ công của người Mohenjo-daro được tìm thấy. Ảnh: Nadeem Khawar/Getty Images. |
Tuy nhiên, đến năm 1700 TCN, thành phố đã bị bỏ hoang. Không một tài liệu, ghi chép hay dấu tích nào được tìm thấy sau đó. Vì vậy, điều gì đã xảy ra từ mốc thời gian đó là một dấu hỏi lớn. Không ai biết chính xác tại sao người dân ở đó lại rời đi hay họ đã đi đâu? Thế hệ sau chỉ biết họ đã để lại một công trình ấn tượng vượt thời đại.
Ngày nay, di tích lịch sử này đã trở thành công viên địa phương. Người dân thường chọn đây là địa điểm dã ngoại. Tuy nhiên, ít ai biết nơi đây đã từng là một vùng đất giàu có và sầm uất, thu hút khách du lịch tại Pakistan từ rất lâu.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/nha-ve-sinh-vuot-thoi-dai-tai-thanh-pho-co-hon-4000-nam-a6555.html