Trao đổi với Zing sáng 2/11, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, cho biết từ nay đến cuối năm, địa phương sẽ liên tục tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố, thể thao và trải nghiệm, biểu diễn khoa học tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn).
Các diễn viên trình diễn điệu múa Champa độc đáo ở phố biển Quy Nhơn. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tối 1/11, Sở Du lịch Bình Định phối hợp với các ngành, địa phương khai mạc các hoạt động văn hoá, nghệ thuật đường phố, thể thao và trải nghiệm, biểu diễn khoa học tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn).
Đây là chuỗi hoạt động khởi đầu nhằm góp phần tạo điểm nhấn, hấp dẫn du khách đến với phố biển Quy Nhơn trong mùa du lịch thấp điểm cuối năm và những năm tiếp theo.
Cụ thể, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra như lớp trải nghiệm võ cổ truyền cho khách du lịch và người dân; biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ (tuồng, bài chòi, điệu múa Champa, hát, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc…); âm nhạc đường phố; hoạt động trải nghiệm, biểu diễn khoa học (trình diễn show khoa học, quan sát thiên văn, trò chơi khoa học… cho giới trẻ).
Bình Định cam kết các chính sách ưu đãi đối với các đoàn khách đến địa phương dự hội nghị, hội thảo trong mùa du lịch thấp điểm, cụ thể là giảm giá phòng, dịch vụ ăn uống, giá thuê hội trường...
Các diễn viên, nghệ nhân trình diễn cồng chiêng dưới rừng thông ở Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Từ nay đến cuối năm, chúng tôi đặt mục tiêu đón thêm 500.000 du khách, nâng tổng số lên 4,2 triệu lượt khách trong năm 2022, doanh thu đạt hơn 13.120 tỷ đồng", ông Thanh cho biết thêm.
Trước đó, trong hai ngày 29-30/10, Kon Tum cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm quảng bá hình ảnh đất và người Măng Đen nhằm hấp dẫn du khách về đây tham quan, nghỉ dưỡng.
Trên những sân khấu thực cảnh nguyên sơ của vùng đất Măng Đen, các nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu cùng hàng trăm học sinh, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây trình diễn 200 mẫu thiết kế áo dài và trang phục thổ cẩm Tây Nguyên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc cho biết địa phương có hơn 1.000 người tham gia công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của trang phục thổ cẩm truyền thống.
"Trang phục thổ cẩm là vật dụng gắn liền với cuộc sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum. Thưởng lãm chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên, du khách có thể cảm nhận tay nghề khéo léo của đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum trong may mặc truyền thống", bà Y Ngọc nói.
Các diễn viên, người mẫu trình diễn trang phục áo dài truyền thống dưới chân thác Ba Sỹ, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Măng Đen. Ảnh: Minh Hoàng. |
Còn ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho hay với bàn tay khéo léo, sáng tạo trao truyền qua nhiều đời, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã khắc họa nên những họa tiết, hoa văn thổ cẩm phong phú mà vẫn mộc mạc, gần gũi.
"Tôi hy vọng với những sự kiện như thế này sẽ kích cầu du lịch, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hà nói.
Huyện này đặt mục tiêu năm nay thu hút gần 220.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/binh-dinh-kon-tum-kich-cau-du-lich-mua-thap-diem-a5487.html