Để bắt đầu chuyến đi du hành ngược thời gian, điểm dừng chân đầu tiên là ga tàu hỏa Bukit Timah. Hiện nay, khi tới Singapore, du khách dễ dàng đi lại nhờ hệ thống tàu điện ngầm thuận tiện. Tuy nhiên, trước khi những đoàn tàu hiện đại xuất hiện, cuộc sống người dân đảo quốc sư tử đã gắn liền với ga tàu hỏa Bukit Timah cũ kỹ. Đường tàu kết nối nhiều vùng trên cả nước và cũng là một phần của tuyến đường sắt KTM của Malaysia. Tháng 6/2011 đánh dấu chuyến tàu cuối cùng chạy trên tuyến đường sắt này. Ảnh: CNA. |
Ga Bukit Timah được xác định trở thành điểm bảo tồn. Từ tháng 9/2021, các tòa nhà ga Bukit Timah đã được mở lại để công chúng tham quan vào ban ngày. Quá trình trùng tu diễn ra sau đó và tới 1/7 năm nay, nhà ga đã chính thức mở cửa lại, trở thành một “phòng trưng bày di sản” sống động, rộng lớn. Du khách vẫn sẽ bắt gặp những dấu ấn cũ kỹ của nhà ga được xây dựng từ năm 1932 như biển báo, cần gạt chuyển đổi đường ray hay quầy bán vé. Tất cả đều được tân trang để trở lại vẻ đẹp nguyên bản. Ảnh: Time Out. |
Điểm yêu thích nhất của du khách khi tới đây là quán cà phê cổ kính, được trùng tu từ tòa nhà cũ dành cho nhân viên ga tàu. Nhâm nhi ly cà phê giữa khung cảnh mộc mạc của nhà ga cũ là trải nghiệm bạn khó tìm thấy ở bất kỳ đâu. Nhiều người trẻ ở Singapore cũng đặc biệt yêu thích địa điểm này. “Thật may mắn khi nhiều công trình xưa cũ được bảo tồn tốt. Các thế hệ người Singapore sau này và cả du khách có thể tới và chiêm ngưỡng chúng trong vài thập kỷ tới”, một người dùng mạng chia sẻ. Ảnh: The Straits Times. |
Điểm dừng chân tiếp theo là nhà máy sản xuất cũ của Ford. Nó được chuyển đến phố Upper Bukit Timah vào tháng 10/1941. Đây là nhà máy lắp ráp ôtô đầu tiên của Ford tại Đông Nam Á. Nơi này cũng được dùng làm khu lắp ráp máy bay chiến đấu trong suốt “Chiến dịch Mã Lai” và là nơi quân đội Anh đầu hàng trước quân đội Hoàng gia Nhật Bản. Ảnh: Roots. |
Vào năm 2005, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Singapore đã quyết định khôi phục lại địa điểm lịch sử này. Ngày 15/2/2006, nhà máy được công nhận là Di tích Quốc gia. Ngay hôm sau, nhà máy cũ này đã mở cửa đón khách với tên gọi “Memories at Old Factory” (tạm dịch: Những ký ức nơi nhà máy cũ). “Memories at Old Factory” mang đến cho du khách những góc nhìn mới mẻ về cuộc chiến, thông qua các câu chuyện truyền miệng. Có 3 sự kiện chính được tái hiện trong không gian triển lãm là cuộc xâm chiếm của quân Nhật, sự kháng cự của quân Anh và tình cảnh đáng thương của người dân Singapore khi bị cuốn vào cuộc giằng co giữa những đế quốc. Ảnh: Inspirock. |
Nếu tìm hiểu về du lịch Singapore, nhiều người hẳn đã nghe đến cái tên Lau Pa Sat (trước đây là chợ Telok Ayer). Lau Pa Sat là khu chợ bán đồ tươi sống đầu tiên ở đảo quốc sư tử. Nó được xây từ hơn 150 năm trước, vào thời Sir Stamford Raffles - Cựu toàn quyền Đông Ấn Hà Lan. Thiết kế ban đầu thuộc về kiến trúc sư người Ireland - George Coleman. Ông cũng là người tạo nên nhiều tòa nhà ấn tượng của Singapore thời thuộc địa - nổi bật nhất là tòa nhà Quốc hội cũ. Kể từ năm 1973, khu chợ đã được công nhận là di tích quốc gia. Hiện tại, Lau Pa Sat đã được trùng tu để lưu giữ lại nét kiến trúc độc đáo. Địa điểm này cũng trở thành khu ẩm thực được nhiều khách du lịch ưu ái bởi có nhiều món ăn ngon. Ảnh: Trip Savvy. |
Một trong những điểm nhấn lớn nhất của khu này là tháp đồng hồ với vẻ đẹp cổ điển vượt thời gian. Tháp đồng hồ này là sự bổ sung của kỹ sư James MacRitchie khi chợ Telok Ayer phải di dời khỏi vị trí ban đầu và xây lại. Sau vài lần cải tổ (gần nhất là năm 2014), Lau Pa Sat cơ bản vẫn giữ được nét đẹp trong thiết kế của MacRitchie như những mái vòm cao, mái ngói xếp lớp và các cây cột theo phong cách thời Victoria, chi tiết hoa văn trang trí tinh xảo phía trên… Phần hoa văn được rèn từ sắt đặc để đạt được hiệu ứng nhẹ như bay và mỏng tựa ren. Ảnh: Visit Singapore. |
Bên cạnh việc lưu lại những bức hình đẹp, du khách cũng thích thú với trải nghiệm ẩm thực đa dạng trong khu Lau Pa Sat. Nếu có dịp tới đây, bạn hãy ngồi xuống và gọi cốc bia lạnh, thưởng thức đĩa cơm gà Hải Nam truyền thống của người Singapore. Đắm mình trong ẩm thực và kiến trúc độc đáo này là điều khiến nhiều du khách yêu thích. Ảnh: Internet. |
Điểm kết thúc hành trình ngược dòng thời gian ở Singapore là nhà hát kinh kịch cũ The Majestic - nay trở thành trung tâm mua sắm. Cho tới ngày nay, kiến trúc Majestic vẫn được bảo tồn gần như toàn vẹn. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khu mua sắm này bởi kiến trúc Majestic phản ánh nền văn hóa của cộng đồng người Quảng Đông tại Singapore. Hình tượng rồng trong văn hóa Trung Quốc và gạch ở mặt tiền cũng gợi nhớ đến những vở kịch của người Quảng Đông. Ảnh: Chinatown Singapore. |
Trong giai đoạn cực thịnh (những năm 1950 và 1960), nhà hát thu hút nhiều ngôi sao điện ảnh lớn như Grace Chang, Lin Dai, và vô số doanh nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Với quá trình đô thị hóa của Singapore, các rạp chiếu phim xuất hiện nhiều hơn vào những năm 1990. Nhà hát The Majestic không thể cạnh tranh nổi và đã đóng cửa vào năm 1998. Từ năm 2003, nó trở thành khu mua sắm. Với dấu ấn lịch sử lâu đời, nơi đây vẫn thu hút lượng lớn khách ghé thăm. Ảnh: Pinterest. |
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/nhung-cong-trinh-tram-nam-o-singapore-hut-du-khach-khi-thay-ao-moi-a4572.html