Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam

Không chỉ những bạn trẻ còn độc thân mà nhiều đôi vợ chồng mới cưới cũng tìm đến phiên chợ se duyên để cầu may, cầu tài lộc và cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 1.

Khu vực Chùa Phúc Lâm, nơi diễn ra phiên chợ se duyên.

Xã Trung Đông (Trực Ninh) là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa. Toàn xã có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và nhiều đình, đền, chùa, nhà thờ với các hoạt động lễ hội văn hóa đầu xuân thu hút đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương tham gia, trong đó phải kể đến phiên chợ se duyên diễn ra vào sáng mồng 3 Tết tại thôn Đông Thượng.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 2.

Sáng mồng 3 Tết, các bạn trẻ độc thân thuộc nhiều lứa tuổi từ khắp nơi nô nức kéo về chợ se duyên ở chùa Phúc Lâm Tự.

Cứ vào sáng mồng 3 Tết, những chàng trai, cô gái độc thân thuộc nhiều lứa tuổi từ khắp nơi nô nức kéo về chợ se duyên ở chùa Phúc Lâm Tự, thôn Đông Thượng, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cầu mong sang năm mới sẽ tìm được hạnh phúc, tìm được một nửa của đời mình.

Ngay từ đầu giờ sáng, phiên chợ se duyên diễn ra duy nhất 1 lần trong năm đã thu hút nhiều người dân, du khách ghé chân. Đến 9h sáng, từng đoàn người xếp hàng dài nối đuôi nhau từ cổng vào chùa Phúc Lâm Tự.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 3.

Các bạn trẻ nam nữ xin quẻ bói đầu năm tại phiên chợ se duyên.

Theo các cụ cao niên thôn Đông Thượng, phiên chợ se duyên không biết có từ bao giờ, chỉ biết các cụ đời trước truyền lại nguồn gốc phiên chợ xuất phát từ tục đi lễ Chùa Phúc Lâm đầu năm mới của người dân trong thôn. Xưa kia, khu vực chợ thực chất là nơi bán đồ thờ cúng phục vụ việc lễ chùa, dần dà người có nhúm muối, quả cau, lá trầu, hộp mứt, bánh pháo, bộ tam cúc, con cá, mớ rau… đem ra bày bán, trao đổi; trai gái theo bố mẹ đội lễ lên chùa rồi quen nhau.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 4.

Tại khu vực sân của chùa, rất đông thanh niên tập trung dâng hương, cầu tài lộc, may mắn.

Có những cặp trai gái cứ mải mê cùng nhau tâm sự từ sớm đến quá buổi trưa mà vẫn chưa chịu về nhà, rồi sau đó đã nên duyên vợ chồng. Từ đó người dân trong thôn tổ chức họp chợ để rồi từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái gặp gỡ, tìm hiểu để thành lứa, thành đôi, vì thế người dân gọi đây là phiên chợ se duyên. Chợ chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mồng 3 Tết.

Tại phiên chợ se duyên, không chỉ những bạn trẻ mà nhiều đôi vợ chồng mới cưới và cả những cặp vợ chồng đã chung sống nhiều năm cũng tìm đến chợ để cầu mong tình cảm vợ chồng thêm mặn nồng. Nhiều gia đình mua thêm gói muối, ít gạo cầu may mắn cho gia đình trong năm mới.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 5.

Tại phiên chợ se duyên có nhiều sạp hàng bán muối và gạo cho du khách.

Hằng năm, đã thành thông lệ, từ 3 giờ sáng, người dân thôn Đông Thượng đã lục tục kéo đến khu vực Chùa Phúc Lâm vừa căng bạt, dựng lều, bày hàng hóa vừa kể cho nhau nghe những việc xảy ra mấy ngày Tết ở trong xóm, ngoài làng.

Hàng hóa ở chợ ngày nay vẫn giữ được nét truyền thống, cũng vẫn chỉ là những sản phẩm mang đậm đặc tính “tự cấp, tự túc” của cư dân nông nghiệp, từ những sản phẩm tinh thần như cành, bát hoa nhựa, khăn bông, tò he, đồ lưu niệm bằng sừng, đồ trang sức bằng bạc, vỏ sò, vỏ ốc cho đến những sản phẩm nông sản như rau, cá, thịt, hoa quả, kẹo lạc, kẹo vừng, bánh rang…

Chợ họp từ gà gáy đến quá trưa mới tan, các đôi nam nữ đem theo những ánh mắt gửi trao và niềm tin về một tình duyên mới sẽ đến. Điều kỳ lạ ở phiên chợ là trai gái sau khi quen nhau ở chợ đều bén duyên; những cặp đang yêu sau khi đi chợ đều nên duyên vợ chồng.

Phiên chợ se duyên độc nhất vô nhị thành Nam- Ảnh 6.

Đến gần trưa, phiên chợ se duyên thu hút đông du khách thập phương.

Phiên chợ se duyên thôn Đông Thượng đã thực sự trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân trong thôn, nhất là thanh niên nam nữ trong làng, ngoài xã và khách thập phương mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Hương Giang (theo danviet, baonamdinh)

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/phien-cho-se-duyen-doc-nhat-vo-nhi-thanh-nam-a43268.html