Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ 6 tháng đầu năm đạt 5,1 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, tăng 40,3%; khách trong nước đạt 3,1 triệu lượt, tăng 17,7%; Con số này còn cao hơn cả trước đại dịch COVID-19.
Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ đạt 636 nghìn lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế đạt 222 nghìn lượt, tăng hơn 37%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng “thắng lớn”, đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 22%; doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng gần 60%.
Phố đi bộ Bạch Đằng là nơi thu hút đông đảo du khách mỗi đêm Ảnh: T.H |
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Du lịch cho hay, thành phố đặt mục tiêu đón hơn 8,4 triệu lượt khách trong năm nay, trong đó khách quốc tế 2,5 triệu lượt. Hiện mới nửa năm, tổng lượng khách đã đạt 60%, riêng khách quốc tế đạt 80% mục tiêu đặt ra. Đây là kết quả của cả quá trình xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp. Hiện Đà Nẵng có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như phố đi bộ Bạch Đằng, lễ hội pháo hoa quốc tế, biểu diễn mô tô nước và ván thủy lực, vui chơi giải trí ven biển…
“Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, vì vậy rất kỳ vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch. Mặt khác, mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch với định hướng Đà Nẵng ưu tiên phát triển du lịch, là một trong ba cực tăng trưởng du lịch chủ đạo gắn với các cực tăng trưởng quốc gia. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển ngành công nghiệp không khói”, vị này nói.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho rằng con số 5,1 triệu lượt khách trong nửa năm rất ổn, nhưng thực tế từ nay đến cuối năm chỉ còn 4 tháng có thể khai thác mạnh vì mùa mưa gió khách nội rất “kén”. Do vậy, không thể chủ quan.
Khai thác các sản phẩm đặc sắc
Ngành du lịch Đà Nẵng nêu thực tế, xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi so với trước đây, một lượng khách lớn hiện đang chuyển hướng vào Nha Trang, Phú Quốc, đặc biệt là khách Hàn Quốc. Vì vậy Đà Nẵng đang chịu sự cạnh tranh không hề nhỏ. Ngoài ra, khách muốn trải nghiệm nhiều hơn, một điểm đến có thể trải nghiệm nhiều dịch vụ, cơ sở lưu trú, hoạt động vui chơi giải trí. Để giữ chân, ngoài loạt sản phẩm mới được tung ra, Đà Nẵng còn triển khai nhiều chương trình kích cầu giá hời; phối hợp với các đơn vị vận tải, lữ hành, hãng hàng không để cùng liên kết tạo thành chuỗi dịch vụ phục vụ du khách.
“Trong bối cảnh giá vé máy bay cao, thành phố đã có tính toán thay đổi phương thức thu hút du khách bằng cách khai thác tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” nối Huế - Đà Nẵng. Sắp tới đây sẽ xúc tiến tuyến Đà Nẵng - Nha Trang”, đại diện Sở Du lịch cho biết.
Ông Trần Văn Vũ cho hay, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng cao nhưng số ngày lưu trú giảm, bình quân 1,38 ngày/lượt. Qua nhiều năm khảo sát, thống kê số liệu cho thấy, Đà Nẵng khai thác mạnh thị trường phía Bắc nhiều hơn phía Nam. Hầu như sự kiện nào khách Hà Nội và các tỉnh phía ngoài cũng đông đúc hơn, điển hình như Lễ hội pháo hoa quốc tế.
Do đó, Đà Nẵng cần tập trung nguồn lực đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch thật sự đặc sắc, góp phần tăng sức cạnh tranh của điểm đến để thu hút du khách.
Tăng trưởng kinh tế chờ cú hích từ "mỏ vàng" du lịch
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về sự đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm. Sáu tháng đầu năm nay, khu vực này tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp chính (49,76%) vào tăng trưởng GDP, nhờ nhu cầu nội địa tăng và khách quốc tế đến Việt Nam phục hồi mạnh mẽ. Cả doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành… đều ghi nhận tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Nửa đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này thậm chí còn cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. Hàn Quốc dẫn đầu về lượng khách du lịch đến Việt Nam (2,3 triệu lượt), Trung Quốc theo sau với gần 1,9 triệu lượt khách. Tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản...
Việt Linh
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/da-nang-tung-chieu-giu-chan-du-khach-a42787.html