"Giao thương giữa Hàn Quốc và Việt Nam rất lớn. Lượng người lao động, du học sinh, người đi công tác từ Việt Nam sang nhiều. Điều này khiến các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào người có nhu cầu làm visa Hàn Quốc", ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, nói.
Thủ đoạn tinh vi
H., một người lao động ở Hà Tĩnh, cho biết mình đã bị lừa 2.000 USD tiền cọc làm visa sang Hàn lao động. Sau khi tìm hiểu thông tin việc làm, H. tìm được một công ty ở Việt Nam đưa người sang Hàn Quốc do doanh nghiệp X. (ở Hàn Quốc) bảo lãnh.
Theo H., anh được những kẻ lừa đảo giới thiệu là công ty X. đang tìm lao động có tay nghề. Đại diện của công ty từ Hàn Quốc sẽ đến Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn ứng viên. Chi phí "đơn hàng" này (cách gọi của giới làm visa lao động) là 12.000 USD, anh H. cần cọc 2.000 USD.
Mẫu giấy xác nhận cấp visa (Visa Grant Notice) cho người nộp hộp sơ được chấp thuận. Ảnh: Visa Hàn Quốc. |
Sau hơn 2 tháng nộp hồ sơ, H. được thông báo có người bên Hàn Quốc tới phỏng vấn. H. không biết tiếng Hàn nên kẻ lừa đảo nói sẽ phiên dịch cho anh.
"Người này bảo tôi nếu đậu phỏng vấn sẽ được ký hợp đồng. Sau khi có hợp đồng, họ mới lên Đại sứ quán Hàn Quốc để xin visa được. Quy trình khá bài bản nên tôi cũng tin tưởng", H. kể.
Tuy nhiên, thay vì phỏng vấn tại công ty và kiểm tra tay nghề ứng viên, kẻ lừa đảo lại sắp xếp một buổi phỏng vấn qua cuộc gọi video. Một người Hàn Quốc cũng xuất hiện ở đầu dây bên kia. Người này chỉ hỏi lại các thông tin trong hồ sơ của H. chứ không đả động gì vấn đề chuyên môn.
Một thời gian sau, H. nhận được thông báo mình bị trượt. Anh đã gọi cho kẻ lừa đảo để hỏi lý do bị đánh trượt bởi phía Hàn Quốc chỉ hỏi thông tin cá nhân, không nói gì đến công việc chuyên môn. Đáp lại, kẻ lừa đảo nói họ không thể hỗ trợ thêm do công ty cảm thấy anh không phù hợp.
Sau đó, H. đòi lại tiền cọc. Câu trả lời anh nhận được là việc bị đánh trượt không phải lỗi từ đơn vị dịch vụ làm visa. Sau câu trả lời này, kẻ lừa đảo cũng biến mất.
Lợi dụng tâm lý
Chia sẻ với Zing, Phạm Lâm Quỳnh Vân (Bình Dương), một người làm dịch vụ visa Hàn Quốc, nhận xét việc xuất khẩu lao động sang Nhật Bản dễ dàng hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên, người lao động Việt Nam thích đi Hàn Quốc vì mức lương cao.
"Nhiều người Việt sang Hàn Quốc lao động theo diện visa E9. Đây là loại visa dành cho các lao động phổ thông và hợp pháp. Đổi lại, người lao động phải thi đỗ chứng chỉ EPS và thời gian chờ lâu, có khi phải 2-3 năm", chị Vân cho biết.
Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, nhiều nhưng không đủ điều kiện xin visa E9 của người lao động, các đối tượng dễ dàng lừa tiền họ. Chị Vân chia sẻ mình đã gặp nhiều trường hợp lừa đảo, nhẹ nhàng thì 5 triệu đồng, nặng cũng lên đến 200 triệu đồng.
P. là một khách hàng tìm đến công ty của Vân sau khi bị lừa 45 triệu đồng. Chia sẻ với Zing, chị Vân nói các đối tượng chủ yếu thực hiện lừa đảo qua mạng. Chúng dùng nhiều tài khoản giả để bình luận "chéo" nhằm tăng uy tín (seeding). P. đã bị lừa khi tìm cơ hội sang Hàn Quốc lao động.
Chị Vân kể: "Trường hợp của P. rất khó để xin visa. Anh ấy có hoàn cảnh khó khăn, không thể chứng minh tài chính nên rất nôn nóng tìm một bên để đưa mình sang Hàn Quốc lao động. Anh ấy lại gặp đúng nhóm lừa đảo hứa hẹn có visa trong 15 ngày, chỉ cần nộp ảnh 3x4, ảnh hộ chiếu. Số tiền phải trả vào khoảng 185 triệu đồng, khá rẻ so với mức trung bình".
Ban đầu, kẻ lừa đảo yêu cầu anh P. cọc 5 triệu đồng. Sau khi cọc, khoảng 15 ngày sau, hắn gọi điện cho anh P. nói visa đã làm xong và yêu cầu chuyển thêm 90 triệu đồng tiền cọc. Anh P. muốn xem hình visa trước khi chuyển tiền và được chấp thuận. Kẻ lừa đảo gửi cho anh P. hình ảnh visa dán trên hộ chiếu để làm tin.
Do thiếu hiểu biết, anh P. đã cọc thêm 45 triệu đồng vì tạm thời chưa lo đủ 90 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn, người này đã biết từ 1/7/2020, Lãnh sự quán Hàn Quốc không còn dán nhãn visa vào hộ chiếu. Thay vào đó, họ sẽ cấp giấy xác nhận cấp visa (Visa Grant Notice) cho người đăng ký xin visa nếu được chấp thuận.
Lừa đảo nhan nhản
Chỉ cần tìm từ khóa "lừa đảo visa" trên mạng xã hội, bạn dễ dàng tìm được nhiều kết quả về những vụ việc này. Đa số nạn nhân là người lao động có nhu cầu sang Hàn Quốc làm việc.
Nhiều kẻ lừa đảo nhắm đến người lao động bất hợp pháp muốn kiếm việc làm ở Hàn Quốc. Ảnh: TTHQ. |
Đại diện công ty chia sẻ những người này chọn các cơ sở thiếu uy tín để làm visa dịch vụ bởi họ gần như không có cơ hội xin visa theo đường chính thống. Kể cả khi bị lừa, họ cũng không dám lên tiếng. Trong khi đó, nhóm khách du lịch, làm ăn thường không sử dụng các dịch vụ này. Họ có thể tự nộp hồ sơ hoặc chọn các công ty làm dịch vụ visa uy tín.
Trao đổi với Zing, đại diện một công ty lữ hành ở Hà Nội kể có những trường hợp khách bỏ tiền đi tour để trốn lại Hàn Quốc làm việc. Theo người này, vị khách ông gặp có nhiều dấu hiệu khả nghi như công việc không ổn định, có sổ tiết kiệm nhưng số tiền được gửi vội vàng, đối phó. Do đó, công ty đã thu 200 triệu đồng tiền cọc để đảm bảo người này sẽ trở về, nhưng vị khách vẫn trốn lại.
"Nếu đi qua các công ty làm dịch vụ chui, số tiền phải trả có thể nhiều hơn nhưng vẫn may rủi. Thực ra công ty du lịch như chúng tôi không có quyền thu cọc kiểu đó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn yêu cầu thu để đảm bảo họ sẽ không trốn lại", người này chia sẻ.
Có những trường hợp khách đi du lịch để trốn ở lại. Ảnh: Kayak. |
Cũng theo đại diện công ty lữ hành này, hiện nay, nếu để khách đoàn trốn lại, không về nước, các công ty sẽ bị phạt rất nặng - theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP. Vào thời điểm vụ việc kia xảy ra, quy định này chưa được áp dụng.
Cẩn trọng với hứa hẹn bao đậu 99%
Các công ty lữ hành lớn như Vietravel, Flamingo Redtours, Saigontourist... thường được Lãnh sự quán, Đại sứ quán một số nước "ưu ái" hơn trong việc nộp hồ sơ xin visa.
Điều này đến từ uy tín của các công ty và số lượng khách du lịch lớn mỗi năm mà họ đưa tới những quốc gia đó. Vì thế, việc làm thủ tục xin visa qua những công ty này thường có tỷ lệ đậu cao hơn.
Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số bên thừa nhận không thể đảm bảo tới 99% hồ sơ nộp là đậu. Bởi việc xin visa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
"Chúng tôi cũng không thể khẳng định tỷ lệ xin visa thành công 99% cho khách hàng. Việc xin visa phụ thuộc vào bản thân khách hàng, năng lực của công ty du lịch và quyết định của Đại sứ quán, Lãnh sự quán", ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, trả lời.
Theo đại diện công ty này, hồ sơ xin visa được gửi đến công ty chỉ là một chuyện. Có những yếu tố công ty không thể biết như khách có nằm trong danh sách đen của quốc gia định đến không. Điều này chỉ có Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước nắm được. Do đó, công ty không thể đảm bảo 99% tỷ lệ đậu visa khi quyết định là ở bên khác.
Chia sẻ với Zing, đại diện AZA Travel, cho biết tùy vào mỗi quốc gia, cách thức và độ khó khi xin visa lại khác nhau. Ví dụ, khi xin visa Mỹ, khách đôi khi còn phải phụ thuộc vào may mắn.
Ông Đạt cho biết mình từng tư vấn xin visa Mỹ cho hàng nghìn người. Có những người bị trượt dù sở hữu tài sản lớn, công việc ổn định, đã đi nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, thái độ không tốt của người phỏng vấn là điều khiến một số người bị đánh trượt.
Trong khối Schengen, một số nước xin visa rất khó như Đức, Hungary. Đổi lại, các nước như Pháp, Italy lại có thể xin được visa dễ hơn. Ông Đạt nhận xét nhìn chung các nước châu Âu hoặc khối Schengen thường nhìn vào hồ sơ để đánh giá.
"Nếu khách có hồ sơ tốt, khả năng đậu visa châu Âu cũng cao hơn. Không như Mỹ, việc xin visa đôi khi rất dễ nhưng có lúc lại rất khó. Nhiều người không hiểu sao mình có thể đậu. Và cũng có nhiều người mọi thứ đều tốt lại vẫn trượt", ông Đạt nói.
Với các nước châu Á, đại diện AZA Travel nói việc xin visa Nhật Bản được ủy quyền cho một số công ty du lịch xét hồ sơ. Người xin visa Nhật Bản thực tế không cần chứng minh tài chính, công việc... do phía quốc gia này không yêu cầu. Đa số là do các công ty lữ hành tự yêu cầu bởi nếu để khách trốn ở lại, họ sẽ bị phạt nặng như cấm nộp hồ sơ. Do đó, các công ty phải tự bảo vệ mình.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/xin-visa-han-quoc-nguoi-viet-bi-lua-dao-hang-tram-trieu-dong-a424.html