Người phụ nữ mặc áo dài, 20 năm ngồi sửa vali, túi xách ở ngã tư đường

Cổ quấn khăn rằn, diện áo dài thướt tha, tay thoăn thoắt trên bàn máy may… - đó là những gì mà khách hàng lẫn người đi đường ấn tượng về bà chủ tiệm Đoàn Thị Mỹ Tiên (46 tuổi, ngụ TPHCM).

Gần 18h, ngã tư đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Trãi tấp nập người qua lại. Tiếng còi xe giờ tan tầm khiến chị Tiên phải nói lớn vào trong cửa tiệm: "Con, đưa giúp chú này cái vali thay khoá". 4-5 người khách vẫn đang đứng chờ trước bàn máy may của chị. Tiên vừa cười, vừa nói, tay vẫn thoăn thoắt rọc đi phần dây kéo sờn cũ, lắp vào chiếc khoá mới. Chỉ 5 phút sau, vị khách đã có thể nhận lại chiếc balo đã được sửa chữa, chắc chắn đến từng đường kim, mũi chỉ.

Người phụ nữ mặc áo dài, 20 năm ngồi sửa vali, túi xách ở ngã tư đường - Ảnh 1.

Chị Mỹ Tiên đang làm việc

Chị Tiên tốt nghiệp ngành kế toán rồi lập gia đình, sinh con. 3 đứa con chị cứ ốm đau liên miên phải ra vào bệnh viện thường xuyên. Thương con, chị dành nhiều thời gian để chăm sóc chúng rồi lại lăn lộn với đủ nghề. Ban đầu, cửa tiệm được Tiên mở ra để bán vali, túi xách, balo… Sau đó chị tự học may vá, sửa chữa đồ để bảo hành cho khách hàng.

Khách tìm đến cửa hàng của chị Tiên thường mang theo những chiếc vali hỏng hóc, gãy bánh, chiếc balo sờn cũ, hư dây kéo. Bằng bàn tay khéo léo của mình, chị sẽ "hồi sinh" chúng, thay mới những bộ phận cũ, vá lại chỗ rách, hàn những vết nứt. Tiệm mở đến từ 8h đến 21h, lúc nào cũng nườm nượp khách. Từ chỗ thuê mặt bằng, chị Tiên mua luôn căn nhà, hiện có 6 nhân viên đang làm việc cho chị.

Người phụ nữ mặc áo dài, 20 năm ngồi sửa vali, túi xách ở ngã tư đường - Ảnh 2.

Khách hàng hài lòng khi nhận vali được sửa từ chị

Người đến tiệm đa phần vì tài sửa chữa của chị, một số người đến bởi tò mò về bà chủ luôn mặc áo dài, quấn khăn rằn ngồi bên bàn máy may, cạnh ngã tư đường.

Chị tâm sự: "Tôi từ lâu đã yêu áo dài, tà áo thể hiện sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, tại sao mình là lao động chân tay lại không được ăn mặc đẹp, lịch sự và trang trọng. Tôi đặt may rất nhiều áo dài, đủ mẫu mã, kiểu dáng. Nhiều người nói rằng mặc áo dài nóng bức, không thoải mái nhưng riêng tôi lại thấy rất ổn. Tôi ngồi ở ngã tư đường rất trời nắng, áo dài tay sẽ giúp che chắn khá nhiều. Hơn nữa, tôi thấy tự hào khi khoác áo dài lên người".

Tiên kể, chị yêu tất cả những gì thuộc về truyền thống Việt Nam. Ngoài bộ sưu tập áo dài, chị còn sở hữu hàng trăm chiếc khăn rằn với nhiều màu sắc khác nhau. Trong đó, Tiên quý nhất là chiếc khăn rằn Nam Bộ có tuổi đời khoảng 50 năm mà chị được nhận từ người bạn. Mỗi ngày, chị sẽ chọn khăn rằn để choàng lên cổ, mặc áo dài, trang điểm nhẹ rồi mới đến tiệm.

Người phụ nữ mặc áo dài, 20 năm ngồi sửa vali, túi xách ở ngã tư đường - Ảnh 3.

Mỗi ngày, chị lại diện một bộ áo dài để làm việc ở tiệm

"Khách hàng "cưng" tôi lắm. Họ bày tỏ sự thích thú khi thấy tôi chăm chút cách ăn mặc. Nhiều khi tôi đi vắng, họ đến tiệm không thấy là ngồi chờ tôi về. Khách hàng nữ đến đây khen tôi "cá tính", mặc áo dài mỗi ngày như thế, họ rất muốn nhưng khó lòng thực hiện được. Bên cạnh đó, một số người được tôi truyền cảm hứng, họ cũng bắt đầu mua vải, đặt may áo dài. Con cái cũng rất ủng hộ việc mẹ mặc trang phục truyền thống đi làm. Khi con đã lớn, tôi càng ý thức mình phải ăn mặc chỉn chu, lịch sự để làm gương cho chúng", chị Tiên tâm sự.

Thông thường, chị sẽ may áo dài rộng hơn khoảng 1 size để thoải mái, dễ vận động. Chiếc áo dài không làm cản trở Tiên dùng khoan, búa, đục đẽo… để sửa chữa những chiếc vali, túi xách cho khách.

Chị chỉ mất khoảng 5 đến 20 phút cho một sản phẩm sửa chữa, tuỳ theo độ phức tạp, lỗi hư hỏng nặng hay nhẹ. "Khách hàng đến đến có khi mang theo chiếc túi sờn cũ mà tôi nghĩ mình chẳng thể nào sửa chúng. Nhưng khi nghe họ nói rằng, đây là vật kỉ niệm của em, tôi lại thấy thương, muốn làm hết sức mình, "cứu" được chút nào hay chút đó", Tiên tâm sự. Thi thoảng, shipper, người bán vé số, người có hoàn cảnh khó khăn tìm đến tiệm của Tiên, chị đều nhận sửa miễn phí.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/nguoi-phu-nu-mac-ao-dai-20-nam-ngoi-sua-vali-tui-xach-o-nga-tu-duong-a4082.html