Chuyển đổi số đem lại cơ hội cho báo chí phát triển

Chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh mới là yêu cầu mang tính cấp thiết, tuy nhiên một số đơn vị báo chí vẫn chưa thể chuyển đổi và gặp nhiều khó khăn.

Ngày 14/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức chương trình hội thảo “Chuyển đổi số, truyền thông đa phương tiện - xu hướng tất yếu của sự phát triển trong báo chí hiện đại”. 

Hội thảo nhằm động viên, thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số để tồn tại và phát triển trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 505 lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Sự kiện - Chuyển đổi số đem lại cơ hội cho báo chí phát triển

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Hoàng Hiếu).

Phát biểu tại hội thảo TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KH-CN&MT, Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: “Chúng ta đang được chứng kiến sự phát triển như vũ bão của thông tin dưới sự góp mặt của rất nhiều ông lớn công nghệ trong việc chuyển đổi số. Phát triển thông tin, chuyển đổi số đem lại cơ hội cho báo chí phát triển, tuy nhiên cũng đặt ra cho báo chí nhiều thách thức”.

Theo TS. Lê Công Lương, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, các tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất trên các nền tảng công nghệ số. Đây là việc không phải của riêng ai, đối với báo chí, đây là việc của cả hệ thống, của mỗi phóng viên, mỗi toà soạn.

Khác với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xây dựng quy trình mới, cách làm mới, đưa vào cách sản xuất mới. Trong bối cảnh hiện nay, khi mọi mặt của đời sống đang thay đổi, tất cả đều đồng loạt chuyển đổi số thì báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc. Quá trình chuyển đổi số hiện nay ở các cơ quan báo chí là tất yếu để tồn tại.

Sự kiện - Chuyển đổi số đem lại cơ hội cho báo chí phát triển (Hình 2).

TS. Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban KH,CN&MT Liên hiệp Hội Việt Nam (Ảnh: Hoàng Hiếu).

Ông Lương cho biết, thực tế hiện nay, nhiều tờ báo đã bắt tay vào chuyển đổi số, đổi mới với mô hình tòa soạn hội tụ, thay đổi trong cách thức đưa tin. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã có những văn bản, chủ trương nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo báo chí bắt đầu xây dựng chuyển đổi số. 

“Chuyển đổi số để thích ứng với bối cảnh mới là yêu cầu mang tính cấp thiết, tuy nhiên phải nhìn nhận vào thực tế hiện nay tại một số đơn vị báo chí vẫn chưa thể chuyển đổi và gặp nhiều khó khăn. Nhiều tòa soạn vẫn chỉ có tạp chí in, không có tạp chí điện tử. Tôi hy vọng trong thời gian tới đây, chúng ta có thể có thêm nhiều tòa soạn chuyển đổi để có thể thích ứng với bối cảnh mới. Đây là chủ đề rất nóng, mang tính thời sự hiện”, ông Lê Thanh Tùng - Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp Hội Việt Nam nói.

Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển, ông Vũ Xuân Bân đã có bài phát biểu tham luận tại hội thảo. Theo ông Bân, chưa bao giờ từ khoá “chuyển đổi số" lại được nhắc nhiều như hiện nay. Công nghệ giúp cách tiếp cận thông tin của độc giả diễn ra nhanh chóng, đây cũng chính là xu hướng chủ đạo. Vì vậy, đòi hỏi báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành, quản lý hoạt động theo mô hình mới tiện dụng để có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng, sẵn sàng đối diện với thách thức trong quá trình chuyển đổi số.

Ông Vũ Xuân Bân chia sẻ, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Bởi một quy trình có thể phù hợp ở cơ quan này nhưng chưa chắc đã có thể ứng dụng ở cơ quan khác. Vì vậy, cần chú trọng việc xây dựng phương án, quy trình riêng, phù hợp với từng cơ quan báo chí về chuyển đổi số từ đó làm chủ nền tảng số, nền tảng truyền thông xã hội.

Sự kiện - Chuyển đổi số đem lại cơ hội cho báo chí phát triển (Hình 3).

Ông Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển (Ảnh: Hoàng Hiếu).

Ông Bân cũng nhấn mạnh sự tương thông giữa nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Theo đó, cần đẩy mạnh đào tạo để có đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo, tinh thông các công cụ số cũng như các cách tiếp cận mới, cách nghĩ khác tạo ra kết quả khác biệt, hiệu quả.

Đại diện Khoa Truyền thông đa phương tiện Đại học Thăng Long, ông Phạm Bích San cho biết: “Chuyển đổi số là một quá trình hài hoà, cân đối nhiều yếu tố. Để phát triển mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số và truyền thông đa phương tiện thì cần một số điều kiện như sự ổn định về thương hiệu và định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí”. 

“Tiếp đó, sự tương tác, sức mạnh của truyền thông số dẫn đến có thể có những kết quả bất định, luận điểm đưa ra trong nhiều trường hợp chưa hoàn chính. Do đó, cần có khung pháp lý rõ ràng truyền thông số và đa phương tiện có thể hoạt động trong bối cảnh biến động như vậy”, ông San cho biết thêm.

Cuối cùng, ông San chia sẻ những khó khăn quy định hiện hành hiện nay về bổ nhiệm cán bộ là các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông số và đa phương tiện đang là nhiều rào cản cho việc tận dụng hết sức mạnh của đội ngũ chuyên gia trên.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/chuyen-doi-so-dem-lai-co-hoi-cho-bao-chi-phat-trien-a4076.html