Tiềm năng lớn từ hệ sinh thái đa dạng
Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích 115.545ha, là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ hai tại Việt Nam. Lâm phận của vườn và vùng đệm nằm trên địa giới hành chính của 7 xã, 3 huyện và 2 tỉnh gồm tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 38km. Đây cũng là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam.
Tại Vườn quốc gia Yok Đôn có hệ động, thực vật phong phú với hơn 1.000 loài thực vật, 650 loài động vật gồm 92 loài thú, 55 loài bò sát, hơn 370 loài chim và gần 440 loài côn trùng.
Trong số các loài động vật này, có hơn 40 loài thú, hơn 20 loài chim và một số loài bò sát quý hiếm được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bảy Nhánh, thác Phật và ngọn núi Yok Đôn tạo nên một khung cảnh thơ mộng và huyền bí.
Bên cạnh đó, trong Vườn còn có những dòng suối trong xanh như Đắk Lau, Đắk Te, Đắk Ken nước trong xanh, mang đến một không gian thơ mộng...
Ngoài ra, xung quanh vườn là những buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ với những nét văn hóa, ẩm thực độc đáo. Do đó, Vườn quốc gia Yok Đôn còn được xem là trung tâm du lịch về văn hoá của vùng Tây Nguyên.
Xuất phát từ sự đa dạng sinh thái nói trên, Vườn quốc gia Yok Đôn được đánh giá là nơi có tiềm năng cung cấp các dịch vụ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch.
Thông tin từ Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ của Vườn quốc gia Yok Đôn cho hay, những năm gần đây, du khách đến trải nghiệm các tour du lịch của Vườn quốc gia Yok Đôn ngày một đông hơn, nhất là các nhóm học sinh, sinh viên.
Trong năm 2023, Vườn quốc gia Yok Đôn đã đón tiếp đón tiếp 16.081 lượt khách đến thăm quan, trong đó khách trong nước 10.334 lượt, khách nước ngoài 5.747 lượt. Doanh thu đạt hơn 2 tỷ đồng.
Từ tháng 1-3/2024, Vườn quốc gia Yok Đôn đón tổng cộng 3.243 lượt khách. Trong đó, khách trong nước là 1.167 lượt khách; khách nước ngoài là 2.076 lượt khách.
Theo anh Y Siêm Hđơk, hướng dẫn viên Vườn quốc gia Yok Đôn, ít có khu vườn quốc gia nào lại đặc biệt như Yok Đôn. Nơi đây sở hữu ba loại rừng riêng biệt là rừng khộp, rừng thường xanh và bán thường xanh.
Đặc biệt, từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 hàng năm là mùa sinh sản của các loài chim sinh sống trong hệ sinh thái rừng khộp ở Vườn quốc gia Yok Đôn.
Do đó, vào dịp này, khách du lịch đến đây chủ yếu khách nước ngoài, người yêu loài chim, nhiếp ảnh gia. Họ đến để ngắm nhìn và săn ảnh các loài chim đặc hữu.
Phát triển du lịch để ứng xử văn minh đối với rừng
Đặc biệt, các công ty du lịch cũng đã dần quan tâm đến mô hình du lịch từ rừng của Vườn quốc gia Yok Đôn.
Đến nay, đã có hàng chục công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến khảo sát các tour du lịch của Vườn quốc gia Yok Đôn. Trong đó, có 3 công ty hợp tác với Vườn quốc gia Yok Đôn khai thác các tour du lịch gắn với rừng.
“Mục đích phát triển du lịch gắn với rừng không chỉ để làm kinh tế mà trên hết chúng tôi mong muốn các loại hình du lịch của Vườn quốc gia Yok Đôn góp phần vào công tác giáo dục môi trường, giúp du khách hiểu thêm về giá trị của rừng. Đồng thời, qua đó, mỗi người sẽ có cách ứng xử văn minh đối với rừng, với thiên nhiên”, ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ của Vườn quốc gia Yok Đôn cho hay.
Không chỉ vậy, Vườn quốc gia Yok Đôn cũng là nơi duy nhất có mô hình du lịch thân thiện với voi nhà và voi hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Hàng năm, thu hút được nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
Ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn thông tin, du khách đến vườn không chỉ hào hứng khám phá cảnh quan thiên nhiên của vườn, mà còn thích thú tìm hiểu nét đẹp văn hóa của cư dân địa phương, học cách nấu các món dân dã của người dân tại chỗ và nghe những câu chuyện truyền thuyết sinh động của các ngọn núi, con sông, con suối…
Về đêm, du khách có thể tham gia những các tiết mục giao lưu văn hóa cồng chiêng, ca hát, nhảy múa theo các vũ điệu cổ truyền trong âm vang của những nhạc cụ được chế tạo từ tre, nứa đầy tính sáng tạo. Ngoài ra, du khách còn được nghe kể về các truyền thuyết sinh động gắn liền với sự hình thành của các ngọn núi, dòng sông, con suối...
Để thuận lợi cho việc khai thác du lịch gắn với rừng, Vườn quốc gia Yok Đôn đã xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Yok Đôn giai đoạn 2021-2030”. Hiện nay, đề án đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mục tiêu xây dựng đề án nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc khai thác tiềm năng môi trường tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Qua đó, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định đời sống kinh tế của nhân dân trong vùng đệm, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn khu vực, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường...
Không riêng Vườn quốc gia Yok Đôn, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk cũng hấp dẫn du khách bởi hệ sinh thái đa dạng, phong phú.
Theo đó, Khu rừng lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk có các kiểu thảm thực vật đặc trưng cho từng dạng địa hình như: thung lũng, núi cao, nhiệt đới ẩm, á nhiệt đới ẩm. Có tài nguyên thực vật rừng, động vật rừng đa dạng và đặc trưng của vùng Tây nguyên.
Nơi đây có những cánh rừng tự nhiên trải dài qua ngọn núi cao, bao bọc ôm trọn hồ Lắk. Nhiều dòng suối bắt nguồn từ dãy rừng thường xanh, chảy qua địa hình núi cao, dốc đứng tạo nên những thác nước đẹp. Khu rừng này gắn với cuộc sống mưu sinh, lịch sử, tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ nơi đây.
Vào cuối năm 2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Ban Quản lý rừng lịch sử - văn hóa - môi trường hồ Lắk.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, để phát huy giá trị rừng phục vụ phát triển du lịch thì các đơn vị chủ rừng phải xây dựng phương án phát triển rừng bền vững theo Luật Lâm nghiệp. Sau đó, nếu xét thấy phù hợp, các chủ rừng sẽ xây dựng Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại rừng đó.
Hiện nay, một số chủ rừng trên địa bàn đã xây dựng phương án, đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; một số đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng đề cương phát triển rừng bền vững.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-tai-rung-khop-duy-nhat-o-viet-nam-a39029.html