Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, quy mô của các hợp tác xã còn nhỏ, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, quy mô phát triển không đồng đều giữa các vùng miền…

Sáng 9/4, Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn đã được tổ chức nhằm trao đổi thông tin chuyên môn, thống nhất hành động toàn ngành, đồng thời, cập nhật, trao đổi, giải trình.

Trung bình 1.200 HTX được thành lập mỗi năm

Báo cáo tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) đánh giá: “Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển ổn định, tăng cả về số lượng và chất lượng, cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thành viên, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân”. 

Đồng thời, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp nổi bật, có cách làm mới, hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia phát triển vùng nguyên liệu ngày càng tăng và phát huy hiệu quả, dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Sự kiện - Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.

Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2023, cả nước có 100 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 20.789 HTX nông nghiệp, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2003, trung bình tăng 1.200 HTX mỗi năm. 

Bà Yến nhìn nhận: “Thẳng thắn cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, các HTX nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, quy mô của các HTX còn nhỏ, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế; các HTX phát triển không đều giữa các vùng miền. Ngoài ra số lượng HTX ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu và các đề án phát triển nông nghiệp bền vững”.

Về lĩnh vực chính sách phát triển nông thôn, bà Yến cho biết, trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Cục đã tham mưu cho Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đến nay đã có một số kết quả, đó là: 48/48 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình đã ban hành quy định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương.

Theo báo cáo của 56 tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện được 682,051 tỷ đồng; hỗ trợ phương tiện sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên 1.100 dự án cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, trung bình từ 300 - 500 triệu/dự án; 100% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm…

Đối với lĩnh vực cơ điện nông nghiệp, nông thôn, bà Yến khẳng định, cơ giới hoá nông nghiệp ngày càng nhận được sự quan tâm, nhiều loại máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất các ngành hàng chủ lực đã phát triển tại một số địa phương. Qua đó một số công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp như: Thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV, gieo hạt, phân, bơm nước thông minh... 

Sự kiện - Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế (Hình 2).

Lãnh đạo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT điều hành hội nghị.

Chia sẻ tại sự kiện, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Lê Đức Thịnh cho biết: “Với sự thống nhất của toàn ngành Nông nghiệp, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản”.

“HTX nông nghiệp đã trở thành một mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung”, ông Thịnh nói.

Cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có bước phát triển đáng kể, mức độ cơ giới hóa ngày một tăng cao và máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp được áp dụng ngày càng nhiều…

Thành công hay không là ở HTX

Ngoài những nhiệm vụ chung, các địa phương có các nhiệm vụ riêng như 13 tỉnh tham gia vào đề án vùng nguyên liệu chất lượng cao, hay các tỉnh ĐBSCL tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Trong từng nhiệm vụ riêng, càng khẳng định rõ vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác. Dẫn lời Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Cục trưởng  Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khẳng định: “Đề án 1 triệu ha có thành công hay không là ở HTX"

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, Kế hoạch nhằm nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp, hộ nông dân; và các đối tượng liên quan tham gia trong chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, giảm phát thải; bảo đảm đủ điều kiện, năng lực tham gia triển khai hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Theo Kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, hoàn thành việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho 3.100 cán bộ quản lý, kỹ thuật của 620 HTX nông nghiệp, tổ hợp tác đăng ký tham gia đề án 1 triệu ha lúa; 3.000 cán bộ khuyến nông và khuyến nông cộng đồng; 1.200 cán bộ quản lý nhà nước…

Sự kiện - Hợp tác xã nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế (Hình 3).

Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Đồng hành cùng với các tỉnh, thành trong khu vực; An Giang đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh với mục tiêu đến năm 2030 sẽ phấn đấu hoàn thiện cho 341 tiểu vùng tại 101 xã tham gia". 

“Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh vẫn gặp phải một số khó khăn. Trong đó, tổ chức sản xuất ở một số nơi còn tự phát, chưa theo quy hoạch. Việc quản lý, sử dụng đất lúa đôi lúc hiệu quả chưa cao; còn hạn chế trong đầu tư nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu; giá trị gia tăng, thu nhập của người trồng lúa thấp, đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn”, ông Hiệp nói. 

Song song với đó, tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, tiêu thụ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hoá lớn, hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, cơ giới hoá, tự động hóa chưa đồng bộ ở các khâu, chưa tạo được đột phá để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm; chế biến sâu chưa nhiều, tổn thất sau thu hoạch còn cao. 

Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, đại diện Sở NN&PTNT An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, giúp công tác hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ được thuận lợi hơn; có chính sách hỗ trợ cho người dân, các hợp tác xã tiếp cận vốn vay để trang bị máy móc, trang thiết bị nhằm cơ giới hóa hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/hop-tac-xa-nong-nghiep-van-con-boc-lo-nhieu-han-che-a36958.html