Trầm cảm sau sinh, một người mẹ đã lấy bầu vú làm ngạt con

“Trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc của con và không muốn nghe tiếng khóc ấy. Tôi muốn kết thúc cuộc sống của con, một lần khi cho con bú, tôi dùng chính bầu vú của mình để làm ngạt con”, chị T. thú thật.

Trầm cảm sau sinh, một người mẹ đã lấy bầu vú làm ngạt con - Ảnh 1.

50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế - Ảnh: NGUYÊN DƯƠNG

Các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy có đến 33% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Bệnh có thể khởi phát bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1 năm đầu sau sinh. Đáng nói, 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám chiếm 20-30% tổng số ca mỗi ngày. Còn tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám và gọi tới tư vấn trong năm 2021 tăng lên khoảng 20% so với những năm trước.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu - phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…).

Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỉ lệ tái phát cao từ 25-68%. Đặc biệt, có tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng.

Bác sĩ Thu chia sẻ câu chuyện đã từng gặp một bệnh nhân. Tháng 2-2022 vừa qua, chị H.T. (28 tuổi) sinh con lần thứ 2 được 2 tháng và bị trầm cảm sau sinh. Chị một mình tìm đến sự hỗ trợ tâm lý của bác sĩ Thu vì lo sợ bản thân mình không kiểm soát được hành vi và có thể hại con.

"Sau khi sinh con, tôi ròng rã thức đêm vì con khóc. Trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc của con và không muốn nghe tiếng khóc ấy. Tôi muốn kết thúc cuộc sống của con vào một lần khi cho con bú. Tôi dùng chính bầu vú của mình để làm ngạt con", chị T. chia sẻ với bác sĩ. May mắn hành vi của chị chưa để lại hậu quả.

Theo bác sĩ Thu, có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như: thay đổi nội tiết, thay đổi hoóc môn, thay đổi về tâm lý, xã hội. Việc trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm sau sinh bởi sau sinh, cơ thể người mẹ đã phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền nhưng lại không được nghỉ ngơi.

TS Vũ Thy Cầm - trưởng Phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh. Biểu hiện trầm cảm sau sinh ở nhiều mức độ khác nhau và thường có các triệu chứng như bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, lo âu, nghĩ bản thân và đứa bé là gánh nặng, có ý định tự sát một mình hoặc sát hại con...

Thêm vào đó là những áp lực khi chăm sóc con và việc không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến bà mẹ không được ngủ đủ, mệt mỏi kéo dài dẫn tới cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng, trầm cảm.

Theo bác sĩ Thu, mẹ nên cho bé nghe nhạc thư giãn, massage cho bé hoặc có thể dùng một số loại thảo dược thuần thực vật an toàn và lành tính giúp bé ngủ ngon như lá tía tô đất, hoa đoạn lá bạc, hoa lạc tiên tây giúp bé đi vào giấc ngủ nhanh, tăng thời gian ngủ sâu giấc hơn. Khi trẻ bớt quấy khóc, người mẹ có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.

Về phía người mẹ, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, gia đình cần chia sẻ, chăm sóc em bé cùng bà mẹ. Nếu thấy người mẹ có dấu hiệu trầm cảm (mệt mỏi, buồn phiền, chán ăn, mất ngủ) thì cần được khám sớm tại các chuyên khoa tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/tram-cam-sau-sinh-mot-nguoi-me-da-lay-bau-vu-lam-ngat-con-a3653.html