"Thủ phủ ngành gỗ" Bình Định đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu

Bình Định được mệnh danh là một trong những “thủ phủ ngành gỗ” có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất trong cả nước.

Sáng 9/3, lễ khai mạc hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời Quy Nhơn 2024 (Q-FAIR 2024) do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Tp.Quy Nhơn (Bình Định). 

Phát biểu tại buổi lễ ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, Bình Định có diện tích đất rừng và lâm nghiệp tỉnh 415.700ha, độ che phủ rừng đạt hơn 57%. Hiện tỉnh này đã có Đề án phát triển cây gỗ lớn giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035. Toàn tỉnh hiện đã phát triển gần 10.000ha rừng trồng cây gỗ lớn, 15.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). 

Sự kiện - 'Thủ phủ ngành gỗ' Bình Định đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu

Lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương... cắt băng khai mạc hội chợ ngành gỗ lần đầu tiên tại Bình Định.

Dự kiến, năm 2025, tổng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn tỉnh đạt 10.000 ha, gần 16.000 ha rừng FSC. Đến năm 2030, tỉnh phát triển 50.000ha rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn...

Ông Tuấn cho hay: Cùng với định hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn, Bình Định còn là một trong những địa phương có hoạt động chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất trong cả nước, được mệnh danh là một trong những “thủ phủ ngành gỗ” của cả nước, là một trong các trung tâm phát triển các cụm liên kết ngành về chế biến gỗ và lâm sản. Dư địa phát triển ngành gỗ lớn, bởi tỉnh hội đủ những điều kiện như: Vị trí thuận lợi là cửa ngõ của Tây Nguyên, kết nối chặt chẽ với các vùng nguyên liệu nối với cảng biển Quy Nhơn.

Sự kiện - 'Thủ phủ ngành gỗ' Bình Định đẩy mạnh đầu tư, xuất khẩu (Hình 2).

Sản phẩm hiện đại đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng...

Thống kê, Bình Định có số lượng lớn các nhà máy chế biến gỗ lớn nhất trong cả nước, tập trung ở Khu công nghiệp Phú Tài và Khu công nghiệp Long Mỹ, với khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó 245 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng. Đồng thời nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ có quy mô lớn, trong đó đa số là công nhân có tay nghề bậc cao.

"Sản phẩm chế biến chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn và các sản phẩm khác (như dăm mảnh, viên nén). Thị trường tiêu thụ chính: Mỹ, EU, Anh, Úc, Nhật Bản.... Một số nhóm hàng có giá trị kim ngạch lớn, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành gỗ trên địa bàn Bình Định và cả nước", ông Tuấn nhấn mạnh.

Không dừng lại kết quả đạt được, Bình Định đề ra chiến lược phát triển ngành gỗ kết hợp với phương thức tổ chức sản xuất mới theo chuỗi giá trị từ trồng rừng đến chế biến, tiêu thụ gắn với đẩy mạnh thu hút các dự án chế biến sâu, sản xuất xuất khẩu. Tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến lâm sản công nghệ cao của Vùng.

Ngay tại hội chợ ngành gỗ lần đầu tiên này, Bình Định kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương của ngành gỗ, tìm kiếm các hợp tác mới giữa các doanh nghiệp tỉnh và cả nước với quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thêm các công nghệ, máy móc hiện đại nhằm giúp tăng gia sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu; thu hút các du khách, khách hàng đến tìm hiểu thị trường, sản phẩm và tiềm năng thế mạnh tại Bình Định

Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, hội chợ xuất khẩu đồ gỗ, đồ gỗ ngoài trời là giải pháp tìm kiếm thị trường có tính chủ động, linh hoạt và sáng tạo… Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần có giải pháp căn cơ trong đổi mới công nghệ, cung ứng nguyên liệu và đặc biệt tìm thị trường. 

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT,  năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 14,5 tỷ USD, xuất khẩu đến 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong năm 2024, triển vọng xuất khẩu gỗ trong nước khá tích cực với 2 tháng đầu năm đạt trên 2 tỷ USD,  cả nước đạt chỉ tiêu giá trị xuất khẩu năm đạt 15 tỷ USD. 

Đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ hiện đã và đang trở thành ngành quan trọng, chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm giá trị xuất khẩu đều đạt trên 10 tỷ USD đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ, sản phẩm gỗ lớn 5 trên thế giới, thứ 2 khu vực châu Á và dẫn đầu các nước Đông Nam Á. Trong đó, tỉnh Bình Định đã đóng góp rất lớn cho ngành gỗ đất nước, trở thành 1 trong 4 trung tâm có số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước.

Q-FAIR 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 12/3 với trên 1000 gian hàng của trăm doanh nghiệp cùng nhiều hoạt động ý nghĩa: Hội nghị giao ban ngành gỗ quý I/2024 của ngành gỗ cả nước (chiều 9-3); 4 hội thảo chuyên đề bao gồm: chứng nhận FSC COC, hành trang thiết yếu của DN ngành gỗ; chuyển đổi số ngành gỗ; FSC với quy định EUDR, kiểm kê khí nhà kính của DN ngành gỗ; tăng cường phát triển chuỗi giá trị gỗ keo ở Việt Nam: Bài học kinh nghiệm…

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định, đây là hội chợ quốc tế đồ gỗ ngoài trời xuất khẩu đầu tiên ở Bình Định – 1 trong 4 thủ phủ xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.

Nhân sự kiện này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định kêu gọi các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại vào tỉnh Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, với định hướng phát triển đến năm 2030, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Bình Định là gỗ và sản phẩm gỗ khoảng hơn 1 tỷ USD.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/thu-phu-nganh-go-binh-dinh-day-manh-dau-tu-xuat-khau-a35873.html