Trong năm vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp cùng các nhà mạng lớn để triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cuộc gọi/tin nhắn rác ảnh hướng đến người dân, tránh tình trạng lừa đảo.
Ông Nguyễn Phong Nhã- Phó Cục trưởng cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho hay, các nhà mạng đã có những rà soát, chấn chỉnh hoạt động mua, bán SIM rác để hạn chế tình trạng cuộc gọi, tin nhắn rác.
Đặc biệt, các nhà mạng đã dừng toàn bộ hoạt động của các đại lý bán SIM với hình thức mua bán SIM đã kích hoạt sẵn. Các nhà mạng sẽ tập trung phát hành SIM tại các chuỗi, hệ thống có đủ nhân lực kinh doanh. Không những vậy, các nhà mạng sẽ phát triển những kênh của chính doanh nghiệp mình.
Ông Nhã cho biết, các thuê bao mới kích hoạt đã giảm 30% so với trước đây, thuê bao dùng để vào mạng cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, sau thời gian triển khai quyết liệt, đã có 100% thuê bao được chuẩn hoá thông tin theo cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia với số lượng là 127 triệu thuê bao ở Việt Nam.
Mặc dù đã chuẩn hoá 100% thuê bao, nhưng ông Nhã vẫn băn khoăn vì hiện nay hiện tượng cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo qua mạng vẫn phát sinh.
Do đó, Bộ TT&TT đang quyết liệt triển khai thông tin thuê bao chính chủ để phát triển thuê bao minh bạch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách để các thuê bao chính chủ được phát triển, đăng ký trực tuyến và cũng là cơ hội để các nhà mạng tiếp tục phát triển thuê bao của mình.
"Phát triển thuê bao chính chủ trực tuyến, nhưng buộc phải đảm bảo thông tin chính xác", ông Nhã nêu rõ và nhấn mạnh từ việc phát triển thuê bao chính chủ, các hành vi lừa đảo, cuộc gọi rác mới có hy vọng được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các doanh nghiệp Viễn thông, tháng 9/2023, Việt Nam có 15 triệu thuê bao 2G, đến nay số liệu thực tế thuê bao 2G giảm đi không nhanh, trung bình 1%/tháng chưa đúng kỳ vọng của Bộ cũng như các doanh nghiệp.
Ông Nhã cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh là bởi thời gian qua, vẫn có khoảng 300.000 thuê bao sử dụng điện thoại 2G hoà mạng trong 1 tháng.
Do đó, Cục viễn thông cùng doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát và yêu cầu thuê bao sử dụng điện thoại 2G không được hoà mạng từ sau 1/3/2024. Sau 3 ngày triển khai, đã có 5.400 thuê bao 2G không được hòa mạng và Bộ TT&TT hy vọng số lượng thuê bao này tiếp giảm nhanh trong thời gian tới.
Đại diện Cục viễn thông cũng cho biết, người dân muốn sử dụng điện thoại phím bấm với nhu cầu chỉ nghe, gọi, nhắn tin, muốn tiết kiệm pin vẫn có thể dùng điện thoại phím bấm 4G được hoà mạng bình thường.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT vẫn mong muốn người dân có thể thay đổi sử dụng điện thoại thông minh để gia tăng sử dụng các tiện ích mà Chuyển đổi số mang lại để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Để làm điều đó, nhà mạng vẫn đang triển khai các chính sách hỗ trợ, và tới sẽ đề nghị Sở TT&TT các tỉnh đề xuất uỷ ban hỗ trợ người dân chuyển đổi điện thoại từ 2G sang các thiết bị thông minh. Đặc biệt, người già, ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận với các thiết bị thông minh thay cho điện thoại 2G "cục gạch".
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/dung-phat-trien-thue-bao-moi-tai-dai-ly-de-chan-cuoc-goi-rac-a35816.html