Nữ sinh làm dự án vì người cao tuổi: 'Hãy lắng nghe ông bà mình'

Ba năm qua, The Elderly of Saigon (ESG) mà Đoan Dung thành lập đã trở thành nhịp cầu nối kết giữa thế hệ GenZ và những người cao tuổi.

Lời thủ thỉ của bà

Một buổi chiều của năm 2019, Đoan Dung (21 tuổi) cùng một vài người bạn đến viện dưỡng lão. Cô ân cần hỏi thăm: "Bà ơi, bà có khỏe không?". Dung nhấc đôi tay của bà lão 80 tuổi, áp vào má mình, rồi ngồi lắng nghe bà kể về chuyện con cái, gia đình, về kí ức ngày xưa. Đó là một trong những hoạt động thăm hỏi mà The Elderly of Saigon (ESG) thực hiện trong những năm qua.

Dự án được Đoan Dung thành lập năm 2019. Cô chia sẻ: "Ngày nhỏ, mình thường quấn quýt quanh chân bà ngoại, rồi ngồi bó gối nghe bà tâm sự. Có những câu chuyện bà kể đi kể lại nhiều lần nhưng mình vẫn lắng nghe. Đối với mình, đó chắc hẳn là những kí ức khiến bà nhung nhớ và tự hào. Mình phát hiện ra rằng ít bạn trẻ chịu lắng nghe người lớn tuổi, và đôi khi ông bà cũng cô đơn trong căn nhà của mình".

Nữ sinh làm dự án vì người cao tuổi: Hãy lắng nghe ông bà mình - Ảnh 1.

Đoan Dung

Năm đó, Đoan Dung là học sinh của trường Phổ thông Năng khiếu TP HCM. Cô quyết định thành lập nên ESG, dự án hướng về người cao tuổi. Thông thường, nhóm sẽ tổ chức những buổi thăm hỏi, tặng các món quà nho nhỏ cho người già tại viện dưỡng lão. Bên cạnh đó, những thành viên còn ghi lại những hình ảnh, câu chuyện xúc động về người lớn tuổi ở vỉa hè, công viên hay các hàng quán.

Ở góc ngã tư đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3) có cụ bà 77 tuổi vẫn đẩy xe bán bánh kẹo. Mỗi lần có ai đó hỏi chuyện, cụ lại rất vui, chia sẻ về cuộc sống dãi dầu nắng mưa nhưng vẫn đầy lạc quan của mình. Hoặc ở đường Nguyễn Thiện Thuật, có ông Rạng, người được gọi là "bác sĩ sách". Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn "vá" gáy sách, phục chế những tờ giấy cũ kỹ, nhuốm màu thời gian. Dung chia sẻ, trang fanpage của ESG giống như một quyển nhật ký, ghi lại hết những cảm xúc, câu chuyện của người cao tuổi. Đây cũng là cách khiến giới trẻ dễ dàng tiếp cận với thông điệp của nhóm.

Nữ sinh làm dự án vì người cao tuổi: Hãy lắng nghe ông bà mình - Ảnh 2.

Nhóm thường xuyên tổ chức những chuyến thăm người cao tuổi

Dung nói: "Bà nội mình ở Nghệ An. Mình nhớ lúc còn bé, bố hay cho mình khoảng 100.000 đồng để nạp card điện thoại gọi về cho nội. Những câu chuyện thường bắt đầu từ vườn rau nội trồng, con mèo trong nhà… cho đến những tâm tư của tuổi xế chiều. Mình nhận ra là, có những câu chuyện bà chỉ có thể kể với mình. Mỗi lần được nói chuyện với con cháu, mình thấy bà rất hạnh phúc. Và mình tin rằng những cụ ông, cụ bà được quan tâm, trò chuyện cũng sẽ như thế".

Những ký ức vô giá

Dung chia sẻ, thông qua những hoạt động của ESG, cô cũng nhận được rất nhiều trải nghiệm, bài học đáng giá.

"Có lần, mình đến chùa Di Lặc và gặp cụ bà tên Sinh. Cụ bà hiền hậu, hạnh phúc khi có người ghé thăm, dù là người xa lạ. Con gái cụ bị liệt, con rể phải đi làm suốt nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh. Cụ thương con, không muốn trở thành gánh nặng. Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng cụ vẫn giữ thái độ sống tích cực, lạc quan. Mỗi lần mình thấy khó khăn trong cuộc sống, mình lại nhớ đến cụ, đến những lời khuyên của cụ", Đoan Dung nói.

Phần lớn những thành viên của ESG là học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Mai Chi (21 tuổi) cho biết, cô tham gia dự án từ những ngày đầu tiên. Những chuyến đi với nhóm đã giúp cô có nhiều hơn sự cảm thông, quan tâm dành cho ông bà mình. Bên cạnh đó, Chi cũng hiểu hơn những tâm tư tình cảm của người lớn tuổi, khiến khoảng cách thế hệ được rút ngắn.

Nữ sinh làm dự án vì người cao tuổi: Hãy lắng nghe ông bà mình - Ảnh 3.

Tiến Lợi cùng cụ bà tại công viên Tao Đàn

Tiến Lợi (18 tuổi) chia sẻ anh tham gia ESG từ năm 2021. Trong lần tình cờ viết bài cho dự án, anh gặp được cụ bà tại công viên Tao Đàn (quận 1) có câu chuyện đặc biệt. Cách đây 31 năm, sau cuộc cãi vã, con trai ruột của bà đã bỏ nhà đi trong một ngày mưa tầm tã. Bà đi tìm khắp nơi nhưng vô vọng. Nỗi đau đó đã theo bà hàng chục năm, không một ngày nào bà thôi nhớ con. 29 Tết năm rồi, khi thắp nhang cho bàn thờ thì đứa con bà chờ mong đã quay về. Hai mẹ con nắm chặt tay nhau, bao nhiêu cảm xúc cứ vỡ oà.

Lợi kể: "Bà nhớ chính xác con số 31 năm 2 tháng 14 ngày, kể từ khi con đi. Mình nghe xong thấy thương bà vô cùng. Sau buổi trò chuyện đó, mình nghĩ rằng tình yêu thương sẽ là thứ con sống mãi, bất kể thời gian, khoảng cách".

Hiện tại, Đoan Dung đã trở thành du học sinh Mỹ. Cô đã để lại dự án cho những thế hệ học sinh, sinh viên tại Việt Nam cùng nhau xây dựng. Suốt 3 năm đồng hành, Dung chỉ muốn gửi gắm thông điệp rằng: "Hãy lắng nghe ông bà mình, khi còn có thể".

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/nu-sinh-lam-du-an-vi-nguoi-cao-tuoi-hay-lang-nghe-ong-ba-minh-a3570.html