Phát triển Phú Yên dựa trên lợi thế, khác biệt của tỉnh
Ngày 3/3, tại Phú Yên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Tại hội nghị nhận quyết định phê duyệt quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết, tỉnh sẽ đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.
"Tỉnh cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai dự án, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật", ông Tuấn nêu.
Theo quy hoạch, Phú Yên phát triển dựa trên đặc trưng khác biệt của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa. Đánh giá, phân tích những đặc trưng khác biệt, tìm ra những lợi thế riêng của tỉnh với các tỉnh khác trong vùng duyên hải Trung bộ.
Trong đó, xác định các ngành sản phẩm, đặc trưng, khác biệt, có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh về kinh tế biển, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng động lực và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Việc phát triển dựa trên đa dạng hóa các nguồn lực, coi nội lực là nền tảng, lấy ngoại lực để tạo đột phá, chú trọng hài hòa giữa các động lực phát triển. Phát huy tối đa nhân tố con người gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tích cực hoàn thiện các điều kiện về thể chế và hạ tầng để huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Mở rộng các quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
Phấn đấu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, môi trường sống được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước. Là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Lấy dịch vụ du lịch, công nghiệp làm hạt nhân phát triển
Theo quy hoạch, Phú Yên sẽ bố trí không gian phát triển mới, phù hợp với các định hướng, mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc: “Một vành đai phụ trợ - Hai hành lang phát triển - Ba khu vực trọng điểm phát triển".
Đối với khu vực trọng điểm phía Bắc sẽ phát triển du lịch, kinh tế biển. Trong đó, thị xã Sông Cầu là trung tâm kết nối đến các vùng phía Bắc và phía Tây của tỉnh, là trung tâm dịch vụ và du lịch phía Bắc Phú Yên, kết nối với thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tạo cơ hội liên kết phát triển du lịch và các dịch vụ khác; tập trung đầu tư phát triển khu du lịch Vịnh Xuân Đài hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.
Khu vực trọng điểm phía Nam phát triển công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch...
Khu vực Đông Hòa là cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng, khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế. Thành phố Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên. Khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, hậu cần của tỉnh, phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp và logistics, liên kết với khu kinh tế Bắc Vân Phong; về phía Bắc của Tp.Tuy Hòa ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vực tập trung các cơ sở giáo dục - đảo tạo cấp vùng.
Khu vực trọng điểm phía Tây phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch.
Vùng biển và ven biển được định hướng trở thành khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng, là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh với Tp.Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa trở thành cực tăng trưởng chủ lực.
Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của vùng Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên; nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài; thu hút đầu tư khu vực Vũng Rô, đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, cụm du lịch Gành Đá Đĩa - Hòn Yến - Bãi Xép trở thành khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia và từng bước nâng cấp mang tầm quốc tế.
Cũng theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Phú Yên có 18 đô thị bao gồm: 1 đô thị loại I (thành phố Tuy Hòa); 1 đô thị loại II (thành phố Sông Cầu); 1 đô thị loại III (thị xã Đông Hòa); 6 đô thị loại IV (đô thị Cùng Sơn, Phú Thứ, Tuy An, La Hai, Hai Riêng, Phú Hòa); 9 đô thị loại V (đô thị Tân Lập, Sơn Long, Sơn Thành Đông, Hòa Trị, Xuân Phước, Xuân Lãnh, Trà Kê Sơn Hội, Hòa Mỹ Đông, Phong Niên.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/phu-yen-chu-dong-hut-dau-tu-sau-quy-hoach-chien-luoc-a35631.html