Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội (QH) về tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017 của QH về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. Sau khi đánh giá nhiều yếu tố, Chính phủ kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện nghị quyết này đến hết ngày 31-12-2023, đồng thời đưa nội dung trên vào nghị quyết của kỳ họp thứ 4 QH khóa XV.
Kinh tế khởi sắc
Nghị quyết 54/2017 được QH ban hành dựa trên đề xuất của TP HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018. Theo đó, thành phố được trao một số quyền với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.
Nghị quyết được đánh giá là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP HCM. Do vậy, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thành phố.
Trước và trong thời gian thực hiện nghị quyết, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với một thời gian dài kinh tế liên tục tăng trưởng cao. Cụ thể, bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% giai đoạn 2011-2015.
Theo đánh giá của TP HCM, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai những dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với trước đây phải trình các cơ quan trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ các dự án, bảo đảm thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng như khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã mang lại tác dụng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố và phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Sau thời gian đối phó dịch COVID-19, TP HCM đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Có cơ chế nhưng phải chờ hướng dẫn
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch. Một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính nhằm tăng nguồn thu, huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... chưa được tận dụng tốt. Các nguồn lực có tiềm năng, có số thu lớn như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thu khai thác tài sản và nguồn từ đất đai chưa được thực hiện như mong đợi.
Một số cơ chế tuy đã triển khai nhưng hiệu quả còn thấp như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm.
Bất cập này từng được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố vào tháng 7-2022. Theo ông Phan Văn Mãi, một trong những nguyên nhân là nhiều vấn đề lúc ban đầu tiếp cận theo Nghị quyết 54 thì phân cấp cho địa phương nhưng khi làm lại hỏi ý kiến bộ, ngành. Trong khi đó, bộ, ngành lại yêu cầu địa phương xem xét theo quy định pháp luật chung. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 2 năm chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện nghị quyết.
Về chủ quan, khi xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách, TP HCM gặp phải khó khăn phát sinh, chẳng hạn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách mới về thu ngân sách; công tác triển khai một số nội dung như cổ phần hóa, thu hút nhân tài... cũng chậm. Sự quan tâm phối hợp của các cơ quan trung ương còn hạn chế, ví dụ trong việc sắp xếp nhà đất trên địa bàn cũng là một trong những trở ngại.
Những điều trên khiến hiệu quả thực hiện Nghị quyết 54 chưa như mong đợi.
Bảo đảm không gián đoạn
Theo Chính phủ, việc kiến nghị với QH cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31-12-2023 là cần thiết.
Điều này tạo điều kiện cho TP HCM thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố với mục tiêu tổng quát là "Xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước" và mục tiêu cụ thể "Đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước". Từ đó, giúp TP HCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước và phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế; giúp tập trung huy động các yếu tố nguồn lực và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG TP HCM, cho biết từ việc tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 54, Chính phủ sẽ báo cáo QH tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm. Điều này thể hiện QH quan tâm và yêu cầu Chính phủ đề xuất các quy định mới về cơ chế, chính sách sau khi tổng kết thí điểm.
Trường hợp nếu chưa đề xuất kịp thời chính sách mới thì Chính phủ phải kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm để bảo đảm các quy định được áp dụng liên tục, không bị gián đoạn. Kết quả là đến nay Chính phủ đã kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, quá trình ban hành một nghị quyết quy phạm pháp luật của QH phải theo quy trình được quy định chặt chẽ (từ điều 52 đến điều 75). Do vậy, Chính phủ kiến nghị QH kéo dài thêm một năm là phù hợp. "Nếu đề xuất trên được QH chấp thuận thì 1 năm là khoảng thời gian cũng không dài, chúng ta cần hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 54 một cách toàn diện để kỳ họp thứ 6 QH ban hành nghị quyết mới, có cả chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức" - TS Thái Thị Tuyết Dung nhìn nhận.
Nhiều nội dung được lan tỏa
Sau khi cơ chế đặc thù cho TP HCM được quyết định tại Nghị quyết 54, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại luật và áp dụng cho cả nước.
Cụ thể, quy định HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về cơ chế ủy quyền, quy định về điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; quy định về phân cấp nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ mới đây đã nhất trí về dự kiến chương trình phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH diễn ra từ ngày 10 đến 12-10. Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp là UBTVQH cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP HCM.
Nội dung đáng chú ý khác là UBTVQH sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT. Ngoài ra, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự; cho ý kiến đối với 3 báo cáo quan trọng của Chính phủ liên quan tới bình đẳng giới, quỹ BHYT, quỹ BHXH...
T.Dũng
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/noi-dai-nghi-quyet-54-de-lien-mach-chinh-sach-a3560.html