Bình Định đôn đốc sản xuất thương mại quần thể chè cổ Gia Long

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo, đôn đốc việc sản xuất thử nghiệm, chế biến sản phẩm chè Tiến Vua tại xã An Toàn, huyện An Lão, Bình Định.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị UBND huyện An Lão (tỉnh Bình Định) phải nghiêm túc sớm triển khai thực hiện các văn bản của UBND tỉnh này chỉ đạo trong năm 2023 liên quan đến việc sản xuất thử nghiệm, chế biến sản phẩm chè Tiến Vua tại An Toàn. Chủ động làm việc với các bên liên quan báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc sản xuất thử nghiệm trên.

Sự kiện - Bình Định đôn đốc sản xuất thương mại quần thể chè cổ Gia Long

Cán bộ bảo vệ rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) đang khảo sát, chăm sóc những cây chè cổ Gia Long hàng trăm tuổi trong rừng tự nhiên.

UBND tỉnh giao các Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Sở NN-PTNT tỉnh này phối hợp căn cứ chức năng, quyền hạn xem xét các nội dung kiến nghị, đề xuất của UBND huyện An Lão để sớm thử nghiệm, chế biến sản phẩm chè Tiến Vua. Bên cạnh đó cần thực hiện công tác kiểm đếm, lập hồ sơ quản lý hiệu quả số cây chè cổ trong rừng đặc dụng An Toàn.

Theo UBND huyện An Lão, quần thể chè Tiến Vua hiện có 6.117 cây sinh trưởng ở độ cao 900m so với mặt nước biển. Trong đó, có 906 cây chè cổ do Ban Quản lý Rừng đặc dụng An Toàn quản lý với diện tích 1,9ha; 5.211 cây chè khác đang sinh trưởng ở các nương rẫy, vườn rừng do người dân xã An Toàn quản lý.

Vừa qua, thực hiện ý kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, UBND huyện An Lão đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, thu hái sản phẩm chè cho 30 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số An Toàn. Hiện, đã có 300 cây chè Tiến Vua được cắt tỉa và thu hái đã ra lộc mới chuẩn bị phục vụ sản xuất thực nghiệm thương mại.

Sự kiện - Bình Định đôn đốc sản xuất thương mại quần thể chè cổ Gia Long (Hình 2).

Hiện, ngành chức năng đã khảo sát quần thể chè Gia Long An Toàn có 6.117 cây.

Chè Tiến Vua An Toàn là dòng chè cổ gắn với nhiều sự tích, câu chuyện lịch sử độc đáo. Theo cư dân bản địa, giống chè này là chè Ô Long hay chè Gia Long bắt nguồn sự tích vua Gia Long từng đến đóng quân tại rừng núi An Toàn hàng trăm năm trước. Hiện, nơi đây đang có Bãi cỏ Gia Long, nơi bãi cỏ xưa thường chăn thả gia súc của vua Gia Long.

Hồi cuối năm 2023, trong lần khảo sát tại miền núi An Toàn, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã đánh giá rất cao dòng chè Tiến Vua Gia Long. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đôn đốc sớm mô hình sản xuất chè Tiến Vua theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại có sự kết nối giữa chính quyền – người dân – doanh nghiệp. Mô hình nếu thành công sẽ giúp cho địa phương phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển sản phẩm đặc trưng, tạo công ăn việc làm cho người dân miền núi thoát nghèo bền vững.

Sự kiện - Bình Định đôn đốc sản xuất thương mại quần thể chè cổ Gia Long (Hình 3).

Nhiều chuyên gia trà Việt đánh giá chè Gia Long có hàm lượng, hương vị rất đặc trưng.

Theo ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, theo các cao niên ở địa phương thì chè Tiến Vua có nhiều cây mọc sâu trong rừng tự nhiên chiều dài 9m, đường kính cây 30 – 40cm, trên 500 tuổi. Vừa qua, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh 1 số đối tác, doanh nghiệp kinh doanh chè Việt nổi tiếng phía Bắc đã cử các đoàn chuyên gia đến khảo sát, giúp đỡ địa phương phát triển thương hiệu chè Tiến Vua.

“Một số chuyên gia thường pha trà, tuyển trà cho các bậc nguyên thủ đất nước đến khảo sát cho biết chè cổ ở An Toàn có hàm lượng rất tốt, các vị chè, độ chát vừa phải rất đặc trưng riêng. Chuyên gia họ khảo sát chè An Toàn phát hiện ở đây nhiều loại trà, như: hồng trà, bạch trà có vị ngon đặc trưng khác biệt so với 1 số dòng chè ngoài Bắc”, ông Đang cho biết. 

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/binh-dinh-don-doc-san-xuat-thuong-mai-quan-the-che-co-gia-long-a35550.html