Thử thách bản thân bằng những hoạt động mạo hiểm, mới mẻ cũng là một gợi ý khá thú vị cho kỳ nghỉ lễ 2/9 sắp tới. Dưới đây là 3 điểm đến dành cho du khách muốn trải nghiệm loại hình du lịch mạo hiểm.
Lai Châu
Cách Hà Nội khoảng 400 km, Lai Châu là điểm đến dành cho những du khách ưa mạo hiểm ở miền Bắc. Địa phương này sở hữu nhiều lợi thế về mặt tự nhiên như khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên phong phú, thảm thực vật đa dạng...
Ngoài các điểm tham quan nổi tiếng, khi đến Lai Châu, du khách còn có cơ hội trải nghiệm các hoạt động du lịch mạo hiểm khá thú vị.
Ảnh: Tour Dù Lượn. |
Hoạt động gợi ý:
Dù lượn: Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia bộ môn này. Ngoài đường bay đẹp, số ngày bay tốt ở đây cũng khá nhiều, giao thông đi lại thuận tiện. Thêm vào đó, phong cảnh miền núi xanh tươi, hoang sơ càng khiến người bay thích thú.
Trekking: Ở Lai Châu, có thể trekking 6/10 ngọn núi cao nhất cả nước gồm Fansipan (3.143 m), Pu Si Lung (3.076 m), Pu Ta Leng (3.049 m), Ky Quan San (3.045 m), Khang Su Văn (3.012 m) và Tả Liên Sơn (2.996 m). Nếu trekking trong khoảng thời gian tháng 2-3, du khách sẽ được ngắm hoa đỗ quyên nở. Thời gian từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau sẽ dành cho những ai thích thích săn mây hoặc lá vàng, lá đỏ.
Khám phá hang động: Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có khoảng 20 hang động, ẩn sâu trong lòng núi. Để đến với những hang động này, du khách phải đi bộ xuyên rừng theo đường mòn do người dân bản địa làm. Thế giới trong lòng hang với bóng tối, sự tĩnh lặng và những nhũ đá muôn hình muôn vẻ kỳ thú có thể mang đến nhiều cảm xúc mới mẻ.
Lâm Đồng
Ngoài Đà Lạt là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây còn nhận được sự quan tâm của nhóm khách ưa mạo hiểm cả trong nước và quốc tế.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, có 6 địa điểm được phép tổ chức du lịch mạo hiểm gồm hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), thác Datanla (Đà Lạt), khu du lịch Thung lũng Vàng (huyện Lạc Dương), thác Dasar (huyện Lạc Dương), khu du lịch Madagui (huyện Đạ Huoai) và sông Đạ Đờn (huyện Lâm Hà).
Ảnh: @taiphann. |
Hoạt động gợi ý:
Chèo kayak: Chèo kayak trên hồ Tuyền Lâm là trải nghiệm khá thú vị để du khách "đổi gió" trong chuyến đi Đà Lạt sắp tới. Thông thường, một lần chèo sẽ kéo dài hơn 4 tiếng. Nếu đi lần đầu, khách du lịch có thể chọn đi theo tour để có người hỗ trợ tốt hơn.
Vượt thác: Để chinh phục những thác nước hùng vĩ, du khách có thể chọn hình thức leo dây hoặc chèo thuyền hơi. Các thác được chia theo mức độ khó dần để du khách thực hành. Khi tham gia, người chơi sẽ được hướng dẫn cụ thể và cung cấp các thiết bị bảo hộ.
Đu zipline: Zipline là trải nghiệm mạo hiểm khá đơn giản. Người chơi đu theo một sợi cáp dài, một đầu nối từ đỉnh núi, hoặc thân núi để tạo độ cao tương đối, đầu còn lại có thể bên bờ hồ hoặc đất liền. Khi tham gia, du khách bắt buộc phải mang các thiết bị bảo vệ cơ thể.
Ninh Thuận
Ninh Thuận nằm ở khu vực Nam Trung Bộ, cách TP.HCM 340 km. Tuy chưa có nhiều hệ thống khách sạn hay các khu vui chơi giải trí nổi tiếng, điểm đến này lại khá hấp dẫn với những người thích du lịch mạo hiểm.
Ảnh: Jeff Newell Photography. |
Hoạt động gợi ý:
Lặn biển: Vịnh Vĩnh Hy nổi tiếng là một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam. Dưới làn nước biển xanh trong là hơn 300 loài san hô. Tháng 5-8 là thời điểm lý tưởng để bắt đầu hành trình khám phá cũng như lặn ngắm san hô tại đây.
Lướt ván diều: So với các môn thể thao khác, lướt ván diều là môn thể thao khá mạo hiểm với việc sử dụng sức gió để cưỡi trên đầu sóng. Thay vì cánh buồm, người chơi sử dụng một cánh diều chuyên dụng. Khu vực biển Ninh Chữ có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho bộ môn này. Thời điểm du khách đến đây để luyện tập lướt ván diều thường bắt đầu từ tháng 11 đến cuối tháng 3.
Cắm trại: Ninh Thuận nổi tiếng với những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ nên đây là điểm đến khá lý tưởng cho những ai yêu thích hoạt động cắm trại, đắm mình trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, ở đây du khách còn có đa dạng địa điểm để dựng trại như trong rừng, bên bờ suối hay cạnh bãi biển.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/3-diem-den-trong-nuoc-cho-nguoi-thich-mao-hiem-a353.html