Giá như…
Người Đưa Tin: Thưa ông, chuyện “cáo lão về quê” của quan chức xưa không phải là hiếm. Đó có phải những tiền lệ mà chúng ta gọi tên là “văn hóa từ chức” như hiện nay không?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Văn hóa từ chức đã có từ trong chế độ phong kiến xưa. Việc từ chức lúc này gắn liền với liêm sỉ của con người nói chung, đặc biệt là quan chức.
Quan chức khi còn bé, đi học họ đã coi việc học là học chữ thánh hiền. Chữ thánh hiền linh thiêng, hướng cho con người biết thế nào là thiện, là ác. Đạo đức luôn có những tiêu chí cụ thể, trong đó có lòng tự trọng. Ở trong lòng tự trọng đấy lại có liêm sỉ cá nhân. Do đó, việc từ chức của quan chức ngày xưa xuất phát từ yếu tố nội thân là chính. Khi họ thấy danh dự, uy tín bị tổn thương, có thể từ tác động bên ngoài hay từ chính họ gây ra thì sẽ từ chức. Cũng có người cáo lão vì sức khỏe hay chăm sóc gia đình.
Người Đưa Tin: Vậy theo ông, điều gì khiến hành vi “từ chức” chưa trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức khi không đủ uy tín, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng từ chức sau khi xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh (nguyên là Giám đốc Công ty Tiếp thị và Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ), vì thấy có trách nhiệm thể hiện qua năng lực quản lý của mình. Đó là trường hợp hiếm hoi.
Hiện nay, nhiều trường hợp vi phạm trắng trợn nhưng lại tìm cách bao che, chối tội. Có người ra tòa bị truy tố tội danh với bằng chứng rất cụ thể nhưng vẫn bai bải chối bay chối biến, chứ đừng nói đến việc từ chức. Giá như họ có được tính tự tôn và sự liêm sỉ thì đã từ chức trước khi bị khởi tố. Đó là quá trình nhận thức mà phần lớn dựa vào trình độ, hiểu biết của họ qua con đường học vấn, qua sự rèn luyện, tu dưỡng mà có liêm sỉ hay tự trọng. Còn những người chỉ chăm chăm háo danh, háo của thì không có được lòng tự tôn, tự trọng, liêm sỉ nên bị sa vào vòng lao lý.
Người Đưa Tin: Thực tế, tình trạng cán bộ lãnh đạo sai phạm nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật về mặt Đảng (khiển trách, cảnh cáo) vẫn đang diễn ra. Làm thế nào thực hiện quy định về từ chức trở thành giá trị trong đời sống xã hội Việt Nam, thưa ông?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Điều đáng nói là gần đây, sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, đã áp dụng, nếu họ không tự giác từ chức thì tổ chức sẽ xem xét kỷ luật.
Kết luận số 20 không chỉ đánh thức lòng tự trọng, tự tôn và tính liêm sỉ của cán bộ đảng viên vi phạm mà còn là hình thức răn đe để những người không tự giác tự sửa thì lúc đấy sẽ áp dụng hình phạt. Từ chức lúc này sẽ giữ được chút thanh danh còn lại. Như vậy có thể thấy Kết luận 20 vừa cứng rắn vừa linh hoạt mở đường cho văn hóa từ chức, đánh thức lòng tự trọng tự tôn và liêm sỉ tối thiểu, buộc anh phải lựa chọn, nếu không sẽ phải chịu hình thức thích đáng hơn. Tuy nhiên, Kết luận 20 mới chỉ giới hạn ở cán bộ cao cấp, cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây có thể là mở đầu để mở rộng cho đối tượng cán bộ của cả hệ thống chính trị trong bộ máy Nhà nước.
Cùng với quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách, Quốc hội đã kịp thể chế hóa các văn bản lãnh đạo của Đảng, sửa luật Cán bộ Công chức, sửa luật Phòng chống tham nhũng, ra Nghị quyết về thời hiệu áp dụng đối với cán bộ bị kỷ luật theo hướng tăng nặng, ví dụ kỷ luật khiển trách 5 năm (trước đây là một năm); kỷ luật cảnh cáo hiệu lực 10 năm (trước đây là 2 năm).
Rõ ràng đây là những biện pháp tổng hòa từ chính sách, cơ chế công tác cán bộ cho đến hình thức xử lý kỷ luật, đặt nền móng cho hành vi tự giác từ chức của quan chức. Hy vọng rằng lớp cán bộ thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ làm đầu tiên, sau đó đến cán bộ ở cấp khác, theo phân cấp tự giác từ chức nếu không muốn bị trừng trị bằng những biện pháp mạnh hơn.
Việc phát động văn hóa từ chức trong nội bộ là cần thiết, tuy nhiên để nâng cao hiệu lực hiệu quả và năng lực của Đảng cầm quyền và năng lực quản lý của bộ máy Nhà nước thì cần thiết phải xem xét lại các quy định hiện nay về công tác cán bộ nói chung và việc lựa chọn nhân sự nói riêng.
Người Đưa Tin: Ông đánh giá thế nào về quan điểm siết chặt việc thực hiện quy trình, quy định về công tác bổ nhiệm cán bộ theo hướng gắn trách nhiệm của người đề cử cán bộ và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm. Trường hợp cán bộ có sai phạm thì người đề cử và người đứng đầu cấp ủy đề nghị bổ nhiệm cán bộ đó cũng bị xem xét xử lý, để “văn hóa từ chức” đi vào thực tiễn chứ không phải chuyện để bàn?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Ngày xưa lựa chọn nhân sự chủ chốt cho bộ máy chủ yếu qua con đường khoa cử, đó là thi tuyển, chỉ có thi tuyển mới chọn được người tài. Sự lựa chọn nhân tài cực kỳ nghiêm khắc. Bên cạnh đó, có cả những phương thức khác như tiến cử, đề cử vì không phải ai cũng có điều kiện trẩy kinh đi tham gia các kỳ thi.
Đương nhiên cả con đường khoa cử và tiến cử, đề cử đều phải có trách nhiệm liên đới từ việc phát hiện, tiến cử và bổ nhiệm.
Hiện chúng ta chưa có chế tài nghiêm khắc đối với những người tham gia vào quá trình phát hiện đề cử trọng dụng nhân tài, cho nên tình trạng chạy chức chạy quyền vẫn còn.Nếu không có trừng phạt nghiêm khắc thì quyền lực công của nhân dân trao cho bộ máy biến thành quyền lực tư của người có chức có quyền, để bổ nhiệm thân hữu. Như thế sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều tội tham nhũng,có thể làm cho niềm tin, mà mất niềm tin là mất tất cả.
Như tôi đã đề cập, con người có hai điều, một là yếu tố tự thân tức là thẩm thấu những điều đã học, đã được kiểm điểm qua những kiến thức thu nạp được, thấy điều đó là đúng đắn và mình phải phân biệt được lẽ phải.
Còn những người không có khả năng nhận thức thì phải dùng trực quan tương tác để cho họ buộc phải nhận thức ra đấy chính là những tấm gương tày liếp răn đe, cảnh tỉnh.Với những đối tượng này khả năng tự nhận thức yếu, buộc phải có tâm gương để họ nhìn thấy mà cả sợ thất kinh không dám làm những điều sai trái nữa.
Người Đưa Tin: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Dương Thu (Thực hiện)
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/dbqh-le-thanh-van-dau-nam-on-co-tri-tan-lam-ban-van-hoa-tu-chuc-a35066.html