Ác mộng mang tên 'bài tập về nhà'

Con mới học lớp 1 mà có đêm phải rèn chữ, làm bài tập tới 11h đêm. Con vừa học vừa khóc, còn bố mẹ thì cố nén bực và ráng 'vật lộn' với con...

Ác mộng mang tên bài tập về nhà - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Bích Sơn, tỉnh Bắc Giang trong một giờ học ở lớp - Ảnh: VĨNH HÀ

Khi làm quản lý ở các trường khác nhau tôi nhận thấy có những giáo viên giao bài tập cho học sinh theo cảm xúc. Ví dụ thấy học sinh học chậm quá, sốt ruột nên giao nhiều bài tập về nhà với mong muốn con tiến bộ. Cũng có trường hợp học sinh làm chưa hết bài trên lớp, giáo viên yêu cầu về nhà làm tiếp. Một số giáo viên thì giao cả các bài tập nâng cao.

Thầy Đào Chí Mạnh (hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc)

Đó là câu chuyện của anh Thu - một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Không chỉ riêng cha con anh Thu, bài tập về nhà cũng là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình.

"Xin bài tập"

Anh Thu cho biết vì chấp hành nghiêm túc việc không cho con học trước lớp 1 nên con bị đuối hẳn so với các bạn. Tuần nào anh và vợ cũng nhận được phản ảnh của cô giáo "con học chậm so với các bạn". Tuy không giao bài tập chung cho cả lớp nhưng cô giáo thường nhắn "Bố mẹ giúp con rèn thêm ở nhà".

Cô chỉ yêu cầu bố mẹ cho con tập viết thêm 1-2 trang, làm lại các bài toán của buổi học trên lớp mà con chưa làm xong, thực hiện bài vẽ mỹ thuật, chuẩn bị bài cho buổi sau. Nhưng vì con bị căng thẳng nên viết và làm bài tập khá chậm. Có những hôm bố con đánh vật đến 11h đêm. Bố thì phải cố nén bực, con thì vừa viết vừa khóc. Nhưng phải cố để "không tụt hậu".

"Cuối cùng, tôi quyết định gửi con đến lớp học thêm của cô giáo. Sau giờ tan học ở trường, tôi chở thẳng con đến nhà cô học 1,5 tiếng/ca. Mỗi tuần học 3 buổi như thế. Những học sinh ở các lớp học thêm thì được cô giao bài tập về nhà. Trung bình sau mỗi buổi học thêm, con phải hoàn thành 4-5 bài toán, tập viết chính tả, hoàn thành các phiếu bài tập bao gồm cả phần toán và tiếng Việt" - anh Thu chia sẻ.

Trong một buổi họp phụ huynh học sinh lớp 1 một trường ở quận Hà Đông (Hà Nội), nhiều phụ huynh chủ động xin cô giao bài tập về nhà cho con. Trong khi đó có những phụ huynh phản đối việc này vì các con đã học 2 buổi/ngày ở trường.

Có nhiều lý do dẫn tới việc "xin bài tập". Anh H., một phụ huynh lớp này, cho hay tại cuộc họp phụ huynh, phần lớn cha mẹ đều xin cô giao bài tập về nhà vì trước đó nhận được những phản hồi không tốt về kết quả học tập của con. Một tờ danh sách lớp được đưa ra để phụ huynh đăng ký học thêm ngoài giờ cho con. Có khoảng 2/3 số phụ huynh đăng ký.

Băn khoăn với quy định "cấm giao bài tập về nhà"

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm giao bài tập cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày ở trường.

Chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế cho việc học 2 buổi/ngày. Trong đó buổi 2 bố trí nhiều nội dung học tập. Với học sinh lớp 1, 2 có những bài khó, cần trẻ luyện tập thêm hoặc ít nhất có thời gian ở nhà để ôn tập bài cũ, chuẩn bị bài mới.

Nhiều trẻ chậm chạp nên làm chưa xong bài tập trên lớp, làm bị sai cần hoàn thiện nốt ở nhà. Nếu tuân thủ quy định cứng nhắc, giáo viên sẽ không dám giao nhiệm vụ cho học sinh hay dặn dò học sinh phải tự học buổi tối.

Theo một giáo viên của Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Hà Đông, Hà Nội), nhiều học sinh lớp 1 cầm bút còn chưa chuẩn, khả năng tập trung kém. Nhưng giáo viên không được yêu cầu con tự học thêm ở nhà.

"Trẻ lớp 1 có thể học tối 30 phút để hình thành thói quen tự học, thời gian tự học tăng dần theo các lớp để trẻ thích nghi với việc tự học. Tự học không có nghĩa là làm nhiều bài tập mà có thể ôn luyện bài cũ, chuẩn bị trước bài mới.

Có học sinh gặp khó với một âm, vần nào đó, bố mẹ có thể hỗ trợ luyện thêm cho con ở nhà, hay cho con tập đọc những bài có âm vần đó.

Có học sinh viết quá chậm và luôn bị lỗi ở một vài thao tác, việc này nếu được bố mẹ hỗ trợ rèn thêm sẽ tốt. Nhưng vì bị "cấm" nên giáo viên cũng lúng túng" - cô giáo chia sẻ.

Những băn khoăn trên cũng có lý, nhưng vấn đề là khi cho phép giáo viên "vượt rào" với các lệnh cấm thì sẽ nảy sinh muôn hình muôn vẻ việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Nhiều giáo viên sẽ không chỉ dừng ở việc yêu cầu học sinh ôn bài cũ, chuẩn bị bài mới mà số lượng bài tập giao về nhà sẽ tăng lên. Giao nhiều nhưng giáo viên không có thời gian chữa bài trên lớp. Và để "hợp thức hóa" việc giao bài tập, nhiều giáo viên đã đưa việc giao bài tập về nhà về lớp học thêm ngoài giờ.

Một nghịch lý đang tồn tại là phụ huynh lo con quá tải nhưng lại sợ con tụt hậu và để được giao bài tập, phải cho con học thêm. Ở đây cũng không loại trừ việc có một số giáo viên lợi dụng tâm lý sốt ruột của phụ huynh để dạy thêm ngoài giờ với học sinh tiểu học, bao gồm cả lớp 1.

TP.HCM: không giao bài tập về nhà nếu học 2 buổi/ngày

Ác mộng mang tên bài tập về nhà - Ảnh 2.

Giờ tự học của một học sinh tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: NH.HUY

Trong bối cảnh thực hiện 2 buổi/ngày, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM không giao bài tập về nhà nhưng vẫn có những cách để "nâng tầm" cho những học sinh chưa nắm kiến thức đã học.

Tại Trường tiểu học Thiên Hộ Dương (quận 10, TP.HCM), tất cả học sinh của trường đều được tham gia học 2 buổi/ngày nên các em được giáo viên giải quyết tất cả bài tập vào buổi học thứ 2 trong ngày. Điều này đã thực hiện cách đây nhiều năm và đến nay vẫn giữ cách làm này. Ban giám hiệu nhà trường cho biết họ đã quán triệt việc không giao bài tập về nhà cho học sinh với toàn bộ giáo viên ngay từ đầu năm học và thường xuyên kiểm tra những vấn đề này.

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Lợi, hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau thời gian học online và việc học của học sinh bị gián đoạn vì dịch COVID-19, có hiện tượng một số học sinh yếu hơn những học sinh khác, nhất là đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2. Lúc này, nhà trường tìm cách để các em có thể nắm và theo kịp các bạn ở trường để không thua thiệt cho các em.

"Chúng tôi làm việc với phụ huynh những học sinh này và nếu phụ huynh đồng thuận, giáo viên sẽ cùng với phụ huynh trao đổi với các em về việc rèn thêm cho các em ở nhà với thời lượng bài tập phải giải quyết tối đa khoảng 30 phút/ngày. Sau khi các học sinh này đã nâng trình độ lên thì giáo viên cũng chấm dứt việc thực hiện như vậy đối với học sinh" - ông Nguyễn Văn Lợi thông tin.

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện 2 buổi/ngày đã yêu cầu giải quyết nội dung chương trình tại lớp, không giao bài về nhà cho học sinh. Còn tại TP.HCM, từ lâu TP đã không khuyến khích giáo viên, nhà trường giao bài tập về nhà khi học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường.

Hiệu trưởng duyệt "mức trần" bài tập giao cho học sinh

Thầy Đào Chí Mạnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Phúc), cho biết việc giao hay không giao bài tập, giao như thế nào là điều mà nhiều giáo viên lúng túng. "Khi tôi tìm hiểu thì thấy có những trường hợp bài tập giao nhiều nhưng cách giao không giúp học sinh tiến bộ hơn, chỉ gây quá tải, mất thời gian.

Kiểu như dạng bài "chép 2-3 trang bài tập viết" hay học thuộc lòng một đoạn ngữ liệu nào đó trong sách tiếng Việt. Nếu thay dạng bài tập như vậy bằng nội dung như "Bố mẹ cùng con đọc một truyện và để con kể lại câu chuyện đó theo cách con hiểu" thì sẽ hữu ích, cũng nhẹ nhàng, hình thành thói quen đọc sách của trẻ" - thầy Mạnh phân tích.

Thầy Mạnh cho biết đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ 2 tháng/lần chỉ để thảo luận, phản biện và đi tới thống nhất về cách giao bài tập cho học sinh như thế nào để không quá tải nhưng hiệu quả.

"Khối lớp 1 có một danh mục bài tập, thực chất là nhiệm vụ học tập cho học sinh được tổ chuyên môn thống nhất và hiệu trưởng duyệt "mức trần" cả về số lượng, độ khó, loại nhiệm vụ phù hợp với đối tượng học sinh và yêu cầu của chương trình. Các khối lớp đều làm theo cách đó. Giáo viên cứ theo danh mục đó để thực hiện, tránh tình trạng giao nhiều bài tập không cần thiết, gây áp lực cho học sinh" - thầy Mạnh nói.


Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/ac-mong-mang-ten-bai-tap-ve-nha-a3415.html