Từ thực tiễn, cần nghiên cứu, tính toán làm sao khi người dân gõ tìm kiếm một vấn đề gì liên quan đến nông nghiệp sẽ hiện ra đúng, trúng thứ cần tìm, chứ không phải ra một văn bản quy phạm pháp luật dài hàng chục trang.
Đây là những gì được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp nêu ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ pháp chế năm 2024 của Bộ NN&PTNT chiều 10/1.
Báo cáo tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ NN&PNT) Ngô Thị Tuyết cho biết, năm 2023, công tác pháp chế của Bộ NN&PTNT được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp bước vào năm thứ 3 thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT tiếp tục được kiện toàn theo Nghị định số 105/2022/NĐ-CP của Chính phủ; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến phát triển thị trường nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Về kết quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năm 2023, đã ban hành 30 văn bản (gồm: 4 Nghị định; 26 Thông tư). Đến 1/1/2024, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì soạn thảo đã ban hành là 433 văn bản, và còn 13 dự thảo văn bản đã trình Chính phủ chưa ban hành (gồm 12 Nghị định và 1 Quyết định).
Năm 2023, Vụ Pháp chế đã triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định 6 nhiệm vụ chính và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 3 nội dung.
“Cụ thể, thực hiện chuẩn hóa, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Theo đó, số lượng đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp gồm 267 điều kiện, giảm 5 điều kiện so với kỳ công bố trước đó vào năm 2019”, bà Tuyết nói.
Đồng thời, đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục hành chính, nâng cấp, hoàn thiện và triển khai hiệu quả 29 thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia (đạt tỉ lệ 100%).
Về dữ liệu số, Bộ triển khai Dự án đầu tư “Xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”. Về kinh tế số, xã hội số, Bộ NN&PTNT đã triển khai 2 mô hình trang trại thông minh đối với mặt hàng rau quả tại tỉnh Lâm Đồng và mặt hàng thịt lợn tại tỉnh Ninh Bình
Cùng với đó là ra mắt nền tảng Mạng Nhà Nông hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, tổ chức nông dân và người nông dân lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính, theo dõi thị trường, diễn biến thiên tai, sâu bệnh và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mạng Nhà Nông dự kiến sẽ phát triển rộng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cho ý kiến chỉ đạo tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm vừa qua, toàn bộ đội ngũ làm công tác pháp chế đã có nỗ lực rất lớn. Dù bộ máy của Bộ NN&PTNT trong năm vừa qua có nhiều thay đổi nhưng Vụ Pháp chế vẫn nổi bật với những chỉ đạo, tham mưu rất lớn cho ban cán sự và lãnh đạo bộ.
Thứ trưởng Hiệp nêu rõ: “Năm 2023, Vụ Pháp chế đã ban hành các văn bản pháp luật 100% kế hoạch, sau khi đã xin lùi, điều chỉnh thời gian. Công tác rà soát, bãi bỏ các văn bản pháp luật trong năm 2023 nhiều nhất trong các năm trở lại đây. Muốn rà soát, bãi bỏ cần thực hiện bài bản, theo nhiều quy trình, đòi hỏi tính phát hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị phối hợp tốt hơn trước để thực hiện các công tác phát sinh”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiệp cũng chỉ ra rằng năm 2023 còn nhiều hạn chế. Trước hết, kế hoạch điều chỉnh thời gian hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật đến 2 lần, thể hiện việc chưa lường hết, tính toán hết các vấn đề khó khăn khi đề xuất.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản mặc dù ban hành trong năm 2023 nhưng chậm tiến độ, cơ bản các thông tư được ban hành vào tháng 11,12. Đây là các công việc thuộc quản lý của bộ, nếu thông tư ban hành sớm thì mọi việc được trôi chảy hơn, đặc biệt các thông tư liên quan đến cắt giảm thủ tục hành chính. Dù ban hành đầy đủ nhưng chậm tiến độ”, Thứ trưởng Hiệp nói.
Đồng thời, những tồn đọng của năm 2021-2022 mới chỉ xử lý được 4/12 Nghị định, vẫn còn 8 Nghị định chưa được phê duyệt trong năm 2023. Đây là những vấn đề khó, trao đổi nhiều lần nhưng ở góc độ cơ quan chủ quản, phải thực hiện triệt để vấn đề này.
Vấn đề thứ tư được Thứ trưởng Hiệp nhắc đến là việc xử lý sau rà soát văn bản pháp luật còn chậm. Thành công, nổi bật trong năm 2023 là rà soát bãi bỏ toàn bộ một phần hoặc toàn bộ một số văn bản nhưng thực hiện sau rà soát còn chậm. “Phải có thời gian, thực hiện đúng quy trình mới có thể bãi bỏ, không phải thấy sai là bỏ ngay, nhưng tôi thấy vẫn chậm. Những việc cần làm nhanh, phải làm việc, phối hợp với các đơn vị để đẩy nhanh”.
Năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm đã rất rõ, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đề nghị đơn vị rà soát và thực hiện nghiêm; tập trung nguồn lực, nhân lực. Dứt khoát năm 2024 không báo cáo xin lùi thời hạn, kế hoạch của bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào”.
Đồng thời, Thứ trưởng cho biết, Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT thời gian tới sẽ làm lại, tăng cường thông tin công tác pháp luật trên cổng thông tin. Cần đa dạng hóa, thay đổi cách thức tiếp cận với từng đối tượng phù hợp với từng văn bản quy phạm pháp luật.
Làm đơn giản nhưng phải đảm bảo nếu như tìm kiếm về quy trình xuất khẩu hay truy xuất nguồn gốc phải hiện ra ngay lập tức thông tin từ cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/da-dang-hoa-cach-thuc-tiep-can-phap-luat-trong-nong-nghiep-a33782.html