PGS.TS Trần Đắc Phu: Không bất ngờ khi Việt Nam có ca mắc đậu mùa khỉ

Việc mở cửa giao lưu đi lại giữa các nước diễn ra bình thường, nên việc ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ tại nước ta là không bất ngờ.

Ngày 3/10, Bộ Y tế chính thức thông tin về ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Đây là bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại Tp. Hồ Chí Minh

Bệnh nhân khởi phát triệu chứng từ ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam). Các triệu chứng bệnh nhân gặp phải sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Khi trở về Việt Nam, ngày 23/9, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu Tp.Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế nhận định đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Việc nước ta xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên nhận được sự quan tâm của người dân, đồng thời bày tỏ sự lo ngại về mức độ lây lan của căn bệnh này.

Sự kiện - PGS.TS Trần Đắc Phu: Không bất ngờ khi Việt Nam có ca mắc đậu mùa khỉ

PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay việc xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ là không có gì bất ngờ.

Ngày 4/10, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc mở cửa giao lưu đi lại giữa các nước thì việc xuất hiện ca mắc đậu mùa khỉ tại nước ta là điều hoàn toàn có thể xảy ra, “không có gì bất ngờ”.

Ông cho hay nếu đó là ca bệnh nhập cảnh, đã được phát hiện và cách ly thì nguy cơ lây lan không cao. “Chúng ta không quá lo ngại”, ông Phu nói và đưa ra dẫn chứng, vừa qua một số nước châu Á cũng đã ghi nhận một vài ca mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng không bùng lên thành dịch.

Sự kiện - PGS.TS Trần Đắc Phu: Không bất ngờ khi Việt Nam có ca mắc đậu mùa khỉ (Hình 2).

Bệnh đậu mùa khỉ thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Do đó, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, quan trọng nhất hiện nay đối với các địa phương là phải tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu cũng như địa phương. Xác định chính xác ca mắc nhập khẩu hay nội địa để đánh giá được tình hình dịch nhằm đưa ra các ứng phó phù hợp.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Ông Phu đưa ra khuyến cáo: “Người dân không nên quá lo lắng, cực đoan, cần phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ... khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời”.

Sự kiện - PGS.TS Trần Đắc Phu: Không bất ngờ khi Việt Nam có ca mắc đậu mùa khỉ (Hình 3).

 

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/pgsts-tran-dac-phu-khong-bat-ngo-khi-viet-nam-co-ca-mac-dau-mua-khi-a3332.html