Việt Nam là một trong 5 nước phát sinh và thải rác nhựa nhiều

Theo ông Lâm, chất thải là tài nguyên, nếu con người không xử lý, phân loại sẽ gây gây mất mỹ quan, ô nhiễm đất, nước, không khí…

Thông tin tại Hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch liên tịch số 01 ngày 24/11/2023 về xây dựng ngõ 628/1/2 Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi trở thành tuyến ngõ văn minh đô thị, xây dựng phường Bưởi đạt chuẩn “đô thị văn minh” và tuyên truyền tập huấn hướng dẫn các hộ gia đình, người dân về cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, phổ biến một số nội dung trong quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định 45, TS. Hoàng Quốc Lâm, chuyên viên cao cấp Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra những số liệu thống kê đáng suy ngẫm về lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày.

Ông Lâm cho biết, chất thải rắn có rất nhiều loại nhưng chất thải rắn sinh hoạt còn gọi là rác thải sinh hoạt (chất thải phát sinh hàng ngày của con người).

“Hiện nay, không gọi là rác, bởi rác là thứ bỏ đi còn chất thải là tài nguyên”, ông Lâm nói và cho biết Luật Bảo vệ môi trường 2020 không dùng từ “rác” thay vào đó là từ chất thải. Bởi, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng tuần hoàn trong nền kinh tế tuần hoàn hiện nay.

Sự kiện - Việt Nam là một trong 5 nước phát sinh và thải rác nhựa nhiều

TS. Hoàng Quốc Lâm, chuyên viên cao cấp Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường thông tin tại Hội nghị (Ảnh: Hoàng Bích).

Theo số liệu thống kê từ năm 2019, Việt Nam phát sinh 25.5 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt/năm, ở đô thị 38 nghìn tấn/ngày; thành phần rác thải có 70-75% là chất thải thành phần hữu cơ, chất thải nguy hại chiếm 1-2%, chất thải thành phần vô cơ chiếm 25-35%, chất thải có thành phần nhựa chiếm 8-16%.

Thống kê bình quân mỗi hộ gia đình Việt một tháng sử dụng 1kg túi nilon, Hà Nội và Tp.HCM một ngày thải ra môi trường 80 tấn nhựa và túi nilon.

“Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới phát sinh và thải ra nhựa nhiều nhất. Dự báo chất thải rắn ở đô thị trung bình tăng 10-16%/năm, đến năm 2025 chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 33.500 tấn/năm…”, ông Lâm chỉ ra và cho biết với số lượng phát sinh chất thải rắn như vậy nếu như không phân loại thì sẽ không còn chỗ để chứa.

Ông Lâm cũng thông tin tỉ lệ xử lý và chôn lấp cả nước hiện nay có 660 bãi chôn lấp với diện tích 4.900ha, nhưng trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Do đó, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất quan trọng để giảm lượng chất thải phải mang đi chôn lấp, xử lý.

Sự kiện - Việt Nam là một trong 5 nước phát sinh và thải rác nhựa nhiều (Hình 2).

Ông Lâm nhấn mạnh việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn rất quan trọng (Ảnh: Hoàng Bích).

Chuyên viên cao cấp Trung tâm truyền thông Tài nguyên và Môi trường cũng cung cấp thêm số liệu, để thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn tại Hà Nội (áp dụng từ năm 2017), để xử lý 1 tấn rác thải sinh hoạt hết khoảng 55.000 đồng/1 tấn và đơn giá thu gom vận chuyển khoảng 500.000 đồng, tổng để thu gom và xử lý 1 tấn là hơn 550.000 đồng.

Hà Nội hiện phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng 9.000-10.000 tấn/ngày. Để thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn như thế một ngày hết khoảng 4 - 5 tỷ đồng, một tháng khoảng 150-165 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn trong khi chất thải là tài nguyên, nếu con người không xử lý, phân loại sẽ gây gây mất mỹ quan, ô nhiễm đất, nước, không khí…

Bên cạnh đó, theo Nghị định 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sẽ xử phạt nếu như các hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thì sẽ bị xử phạt từ 500 – 1 triệu đồng.

Ông Lâm cũng nêu ra những lợi ích khi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đó là: Sẽ thu được tiền từ tái chế, có thể chế biến thành phân vi sinh, thức ăn chăn nuôi và cuối cùng không thể sử dụng được nữa mới mang đi chôn lấp, làm giảm xử lý bằng phương pháp thiêu đốt và các phương pháp khác.

Sự kiện - Việt Nam là một trong 5 nước phát sinh và thải rác nhựa nhiều (Hình 3).

Không phân loại sẽ gây gây mất mỹ quan, ô nhiễm đất, nước, không khí… (Ảnh: Hữu Thắng).

Song song với đó, ông Lâm cho hay, pháp luật đã có quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08 và Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn những điều thực hiện về Luật Bảo vệ môi trường; công văn số 9368 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 2/11/2023 hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Cùng đó là quy định về xử phạt, đối với chủ nguồn thải (tổ chức, cá nhân) Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định phải giảm thiểu lượng chất thải phát sinh hàng ngày, giảm thiểu theo hình thức chủ động; tiết giảm những gì có thể để khó phát sinh ra chất thải rắn sinh hoạt (có thể dùng làn để không sử dụng túi nilon…); tái sử dụng, tái chế và cuối cùng là thải đi.

Theo Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ 1/1/2025 tất cả các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước sẽ bán túi để đựng chất thải. Tới đây, tiền thu gom vận chuyển xử lý chất thải được tích hợp vào túi đó, buộc tất cả chủ nguồn thải phải mua túi để đựng chất thải theo các màu sắc khác nhau. Nếu không phân loại thì các cơ sở thu gom có quyền từ chối không thu và sẽ báo cáo cơ quan chức năng. 

Ông Lâm nhấn mạnh, đây là chế tài buộc mọi người phải làm nhưng để thực hiện được cần kiên trì có sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân.

Sự kiện - Việt Nam là một trong 5 nước phát sinh và thải rác nhựa nhiều (Hình 4).

Ông Lê Trung Đức, Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ kết luận Hội nghị (Ảnh: Hoàng Bích).

Kết luận Hội nghị, ông Lê Trung Đức – Uỷ viên ban thường vụ Hội luật gia Tp.Hà Nội, Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ khẳng định con người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Do đó, việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Ông mong muốn mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cần có ý thức tuyên truyền, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đúng cách.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Luật có 16 chương và 171 Điều.

Trong đó, một số điều quy định về trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân về Bảo vệ môi trường 2020 và các hành vi nghiêm cấm,

Tại Điều 60, Quy định đối với hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm sau đây: Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định;

Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; không để vật nuôi gây mất vệ sinh trong khu dân cư; không phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh; chi trả kinh phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo quy định của pháp luật…

Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tại Khoản 1, Điều 26, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đôi với hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/viet-nam-la-mot-trong-5-nuoc-phat-sinh-va-thai-rac-nhua-nhieu-a33144.html