Năm 2023, thị trường công nghiệp robot thăng hạng vượt bậc. Sự phát triển này đã tạo ra định nghĩa mới “cobots” - chỉ robot cộng tác hoạt động cùng với con người. Tờ Tech Wire Asia đặt câu hỏi: Liệu robot tự động sẽ tiếp tục làm việc song song với con người hay thay thế hoàn toàn nhiều vị trí công việc của con người?
Nổi lên như yếu tố cạnh tranh quan trọng trong hoạt động sản xuất trên toàn thế giới, số lượng robot công nghiệp được sử dụng tại cơ sở làm việc đã tăng theo cấp số nhân kể từ những năm 1970. Theo thống kê, chỉ có 200 robot công nghiệp được sử dụng ở Mỹ vào năm 1970 nhưng năm 1980 đã tăng vọt lên 4.000. Đến năm 2015, con số tăng lên 1,6 triệu. Ngày nay, ước tính có khoảng hơn 3 triệu robot (loại tiên tiến nhất) đang được sử dụng thường xuyên.
Vào những năm 1940-1950, nhà khoa học người Anh, W.Gray Walter, được coi là người khởi xướng của ngành, đã phát triển Elmer và Elsie, 2 robot tự động còn “ngây thơ”. Trong những năm 1950, sự phát triển của công nghệ tự động hóa được tiếp nối với George Devol, “ông tổ của ngành robotics”, người đã tạo ra Unimate, có thể di chuyển vật thể một cách tự động. Cho tới những năm 1960, robot bắt đầu được thương mại hóa phục vụ việc nâng vật nặng.
Từ đầu những năm 1970, robot công nghiệp chuyển từ công việc chủ yếu là nâng vật nặng sang một số tác vụ đòi hỏi tính chính xác cao. Các mẫu robot nhỏ tiện lợi ra đời.
Từ đó, sức hút chế tạo robot tiếp tục kéo dài tới nay khi chúng được tích hợp cảm biến tiên tiến và hệ thống thị giác máy tính.
Vậy, robot có lấy mất vị trí việc làm của con người hay không?
Tính đến thời điểm tuần đầu tháng 12/2023, riêng các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã sa thải 1.133 kỹ sư lắp ráp, kĩ sư thiết kế robot. Tổng số nhân sự ở những cơ sở công nghệ này bị sa thải thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2020 và 2021 cộng lại. Còn nếu tính cả những bộ phận “ăn theo” thì năm 2023 có thể có tới 240.000 nhân sự bị sa thải.
Làn sóng cắt giảm nhân sự hàng loạt đã được chính những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thúc đẩy, bao gồm Google, Amazon, Microsoft, Yahoo, Meta và Zoom.
Theo trang Tech Crunch, mặc dù tình trạng sa thải kỹ sư công nghệ đã chậm lại song có vẻ như việc cắt giảm nhân viên ở các bộ phận khác vẫn tiếp tục gia tăng.
Nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng “an ủi” người bị mất việc, nhất là các kĩ sư chế tạo robot. Rằng, đó là điều cần chủ động chấp nhận khi thế giới đang chuyển từ tư duy tăng trưởng sang tư duy hiệu quả. Nhưng thật không may, làn sóng sa thải kỹ sư cũng như những người lao động trong ngành công nghệ lại như thể một lời nhắc nhở về tác động sâu sắc của những cỗ robot do chính con người tạo ra.
Theo Layoffs.fyi - trang chuyên theo dõi tình trạng sa thải nhân viên trong ngành công nghệ, tổng số nhân sự bị sa thải trong năm 2023 tính đến tháng 12/2023 là 224.503 người.
Tháng 11 được cho là tháng số nhân sự công nghệ bị sa thải nhiều nhất, lên tới con số 89.554 người. Họ bị cho là những người “bay màu” trước sự “đột kích” của robot.
Ngoài những công ty công nghệ lớn tiến hành sa thải, năm 2023 nhiều công ty công nghệ nhỏ cũng sa thải hàng loạt nhân viên vận hành, từ tiền điện tử, thương mại điện tử, chia sẻ xe, thanh toán trực tuyến... đến nền tảng quản lý công việc và môi giới bất động sản trực tuyến. Họ bị mất việc do giới chủ tăng cường sử dụng robot.
Roger Lee là người tạo ra Layoffs.fyi, cho rằng bước ngoặt quan trọng nhất của việc sử dụng robot thay người bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2020, khi đại dịch robot bùng nổ, kéo dài suốt năm 2021 cho tới nửa đầu năm 2022. Để tránh rủi ro đến từ dịch bệnh, nhiều nhân viên chọn cách làm việc từ xa buộc các chủ doanh nghiệp phải tìm cách tái cơ cấu để “sống sót”.
“Robot không bị nhiễm bệnh, không ngại vất vả cũng không biết đòi tăng lương nên dễ dàng chiếm được nhiều vị trí công việc” - Roger Lee đưa ra nhận xét và cho rằng đáng chú ý là do nhu cầu robot tăng khi nhân viên làm việc ở nhà nên các công ty công nghệ đã tuyển ào ạt kĩ sư để lấp chỗ trống.
Nhưng kể từ cuối năm 2022 tới nay khi dịch bệnh đi qua, các kĩ sư quay lại hóa ra thừa thãi nên đã trở thành đối tượng sa thải hàng loạt.
Vậy, phải chăng robot có hại hơn có lợi?
Vẫn theo Roger Lee, điều dễ hiểu là khi bị mất việc người ta sẽ oán trách robot. Nhưng sống trong thời đại công nghệ bùng nổ cần phải biến áp lực thành nỗ lực, nhanh chóng tìm vị trí làm mới.
“Có nghĩa là, khi bị robot lấy mất việc làm, con người buộc phải trở nên kiên cường hơn” - Lee nói.