Công trình cửa ngõ giao thương nối biên giới Việt - Trung: Dài 420m, chịu được động đất cấp 7

Việt Nam và Trung Quốc mới đây đã ký kết Hiệp định về việc thúc đẩy xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng giữa Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc).

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Việt Nam - Trung Quốc

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12-13/12 vừa qua, hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác.

Trong đó có Hiệp định và Nghị định thư về việc xây dựng và đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cho nhân viên, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng để cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) - Bá Sái, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Cũng theo Hiệp định này, Chính phủ hai nước thống nhất giao tỉnh Lào Cai, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thành lập Tổ công tác liên hợp xây dựng cầu đường bộ chịu trách nhiệm thỏa thuận và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện việc thiết kế cầu, đồng thời mỗi bên tự thực hiện việc thiết kế công trình đường dẫn của bên mình. Công tác giám sát chất lượng công trình do hai bên cùng tiến hành thực hiện.

Công trình cửa ngõ giao thương nối biên giới Việt - Trung: Dài 420m, chịu được động đất cấp 7 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khảo sát thực địa xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại xã Bản Vược. Ảnh: Báo Lào Cai

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai Nguyễn Quốc Huy cho báo Lào Cai hay: Cây cầu này không chỉ có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông 2 nước mà còn khẳng định vai trò cửa ngõ giao thương của tỉnh Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Khi cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Việt - Trung hoàn thiện sẽ tạo tiền đề để Lào Cai phát triển xứng tầm là "cực tăng trưởng" của vùng trung du miền núi phía Bắc, là "cầu nối" kết nối Việt Nam với vùng Tây Nam - Trung Quốc rộng lớn, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam cũng như của cả hai nước Việt - Trung.

Cây cầu bắc qua sông Hồng nối biên giới Việt - Trung được xây dựng như thế nào?

Theo báo Đấu thầu, vào tháng 3/2022, dự án Cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối là dự án giao thông trọng điểm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại khu vực Bát Xát (Việt Nam) và Bá Sái (Trung Quốc) đã được khởi công.

Dự án trên được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt đầu tư vào tháng 5/2021 với Dự án thành phần 1 là Xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng; nâng cấp Tỉnh lộ 156 đoạn Kim Thành - Ngòi Phát. Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 1 là 670 tỷ đồng.

Phần cầu biên giới qua sông Hồng được xây dựng tại khu vực cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách cột mốc 97 về phía hạ lưu sông Hồng khoảng 700 m.

Công trình cửa ngõ giao thương nối biên giới Việt - Trung: Dài 420m, chịu được động đất cấp 7 - Ảnh 2.

Thi công dự án Cầu biên giới qua sông Hồng. Ảnh: Báo Đấu thầu

Báo Lào Cai thông tin, công trình trọng điểm này được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 11823-2017 (Việt Nam) và JTQ D60-2015 (Trung Quốc), xây bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; hoạt tải thiết kế HL93, người đi bộ 3kN/m2 và thỏa mãn tải trọng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc; tần suất thuỷ văn thiết kế 1%; khổ thông thuyền 50x7m; cấp động đất cấp VII (theo thang MSK 64); độ dốc dọc cầu (hai chiều 3%) và độ dốc ngang mặt cầu (hai chiều 2%).

Chiều dài toàn cầu 420m, khổ cầu 35,3m, trong đó: Làn xe cơ giới 4x3,5m; làn xe thô sơ 2x4m; lề bộ hành 2x4,5m; dải phân cách giữa cầu 2,8m; gờ lan can 2x0,5m; gờ chắn bánh xe 2x0,25m.

Cầu chính (60m+110m+60M) do hai bên cùng đầu tư, xây dựng; mỗi bên tự thực hiện thi công phần cầu chính, cầu dẫn và đường dẫn của Bên mình. Phía Việt Nam thi công 1/2 cầu chính gồm 50 m nhịp chính và 60 nhịp biên, cầu dẫn dài 40m và đường vào cầu, chiều dài cầu bên phía Việt Nam 165,1 m (tính đến đuôi mố).

Tổng hợp

https://soha.vn/cong-trinh-cua-ngo-giao-thuong-noi-bien-gioi-viet-trung-dai-420m-chiu-duoc-dong-dat-cap-7-20231214105607586.htm

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/cong-trinh-cua-ngo-giao-thuong-noi-bien-gioi-viet-trung-dai-420m-chiu-duoc-dong-dat-cap-7-a32825.html