Giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn”
Đại biểu Nguyễn Đình Tuấn, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Thanh Khê nhìn nhận thực tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bất ổn, tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 và kinh tế cả nước nói chung tăng trưởng chậm lại, kinh tế thành phố Đà Nẵng có lúc tăng trưởng chưa được như kỳ vọng.
Nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế chưa được khơi thông, do các vướng mắc khách quan, chủ quan. Đầu tư công trở thành nguồn vốn có tác động tích cực nhất, có vai chủ chốt, là "cú hích" cho phục hồi tăng trưởng kinh tế; giữ vai trò "vốn mồi" để thu hút vốn đầu tư các thành phần kinh tế, tăng trưởng kinh tế Thành phố này.
Theo ông Tuấn, nhìn vào báo cáo kinh tế xã hội năm 2023 của thành phố Đà Nẵng, trong đó giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Theo Công văn số 10093/BKHĐT-TH ngày 1/12/2023 của Bộ KH&ĐT về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nêu giải ngân vốn đâu tư công của thành phố Đà Nẵng đạt thấp 4.436,8 tỷ đồng/7.947,13 tỷ đồng, mới đạt 55,83% (tính cả ngân sách địa phương và Trung ương).
Trong 38 dự án Thành phố này cam kết hoàn thành trong năm 2023 thì có 8 dự án không hoàn thành; ngoài ra có 27 dự án cam kết khởi công trong năm 2023 thì có 8 dự án vướng mắc các thủ tục trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Mặc dù, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND ngày 27/6/2023 về sửa đổi, bổ sung quy định đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn rất chậm, mới giải ngân đạt 26%/tổng số vốn chi giải ngân đề bù giải tỏa.
Như vậy, giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” gây ảnh hưởng tiến độ thi công dự án.
Hiện nay, tình trạng “vốn chờ thủ tục” là có, nhiều dự án đã được HĐND Thành phố này quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2020-2021, nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt dự án.
Từ nhiều năm nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã nhận diện nhiều tồn tại hạn chế, nguyên nhân, giải pháp nhưng thực tế không có chuyển biến đáng kể.
Nhiều ý kiến đề nghị UBND Thành phố này cần làm rõ mấu chốt của vấn đề, nguyên nhân từ đâu, khách quan hay chủ quan, do tổ chức thực hiện hay do lo sợ, né tránh, đùn đẩy để có sự điều chỉnh phù hợp.
Theo Báo cáo số 406/BC-UBND ngay 6/12/2023 của UBND thành phố Đà Nẵng về tình hình KTXH, QPAN năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, Thành phố này sẽ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/1/2024 đạt 95%.
Tuy nhiên, có lẽ đây chỉ là con số kỳ vọng vì từ nay đến 31/1/2024 còn khoảng gần 2 tháng nữa, liệu chúng ta có kịp giải ngân hơn 3.500 tỷ đồng còn lại này không?
“Vậy nguyên nhân nào giải ngân vốn đầu tư công chậm, trừ các yếu tố khách quan về các quy định của pháp luật chưa được thuận lợi, chồng chéo, thủ tục phòng cháy chữa cháy, về đánh giá tác động môi trường…?
Yếu tố chủ quan làm chậm giải ngân vốn đầu tư công đó là công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư, việc né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, sự đùn đẩy giữa các Sở, ngành, đơn vị, Ban quản lý dự án đã làm cho đầu tư công chậm, giải ngân thấp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội Thành phố”, ông Tuấn nói.
Đầu tư công là vấn đề “rất lớn” của thành phố Đà Nẵng
Liên quan vấn đề này, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện Thành phố này mới giải ngân được 60% vốn đầu tư công, trong khi mục tiêu đặt ra là 95%.
"Trong chỉ đạo, điều hành của Thành phố cần phải có sự quyết liệt hơn mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng, cho hay đầu tư công là vấn đề "rất lớn" của Thành phố này. Trong năm qua, Sở này thường xuyên nghiên cứu, đánh giá và hằng tháng đều báo cáo với UBND thành phố Đà Nẵng.
Phía Sở ghi nhận khó khăn, vướng mắc từng công trình. Qua rà soát, Sở nhận thấy, các dự án trên địa bàn vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những vấn đề là thủ tục phải trải qua nhiều bước, ảnh hưởng đến thời gian chuẩn bị đầu tư.
"Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng rút kinh nghiệm và sẽ tham mưu tốt hơn nội dung này để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc hiện nay", bà Tâm khẳng định.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/da-nang-phai-tieu-3500-ty-trong-2-thang-a32607.html