Đà Nẵng đưa kiến nghị giải pháp cán bộ né trách nhiệm, sợ sai

Vấn đề cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai tác động diện rộng, rất ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị và công việc của người dân, doanh nghiệp.

Ngày 13/12, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND thành phố Đà Nẵng Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, cho hay, hiện có hai vướng mắc chính đó là tâm lý và pháp lý khiến cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Về tâm lý, nếu tích cực, cán bộ sẽ tìm chỗ dựa để giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp. Nếu tâm lý tiêu cực, cán bộ sẽ hướng đến sự an toàn cho bản thân.

Sự kiện - Đà Nẵng đưa kiến nghị giải pháp cán bộ né trách nhiệm, sợ sai

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng.

Tâm lý sợ sai dẫn đến cách thức giải quyết công việc “thúc thủ”, thiếu trách nhiệm với các cơ quan liên quan và thiếu trách nhiệm đối với quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Vấn đề này tác động diện rộng, rất ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị và công việc của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, giải pháp đầu tiên phải đặt ra là trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh công tác tham mưu của cấp phó và cấp dưới của mình, kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh cấp dưới.

Người đứng đầu vững, công tâm, khách quan, hết mình với với công việc thì cấp dưới phải làm việc theo tinh thần của người đứng đầu.

Người đứng đầu mà cũng sợ thì khó. Anh em dựa vào mình mà mình yếu thì ngã luôn. Trách nhiệm người đứng đầu là nêu gương, động viên cho anh em làm, bảo vệ, che chắn cho anh em làm thì sẽ tốt.

Ông Nguyện kiến nghị thành lập tổ công tác để kiểm tra, đánh giá công tác tình hình các đơn vị từ các cơ quan chính quyền, đến khối Đảng, mặt trận, đoàn thể…

Theo đó, nên mời Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra vào cuộc để kiểm tra, đánh giá và có chấn chỉnh kịp thời các cơ quan, đơn vị trì trệ, né tránh trách nhiệm.

Về pháp lý, vẫn là nguyên nhân chủ yếu, sâu xa dẫn đến tình trạng trì trệ hiện nay. Suy cho cùng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ có thể quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện những vấn đề trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn và trong khuôn khổ pháp luật. Cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Do đó, cần trao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương và các chủ thể hành chính được quyết định hợp lý để giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập hay thực tiễn đặt ra.

“Trường hợp vì yêu cầu thực tiễn, yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, của địa phương nhưng pháp luật không phù hợp thì phải khuyến nghị điều chỉnh pháp luật vì hiệu quả quản lý, không xem xét xử lý hành chính, hình sự khi cán bộ, công chức hành động vì lợi ích chung, không vụ lợi cá nhân. Có như vậy mới có thể xử lý dứt điểm tình trạng e ngại, sợ sai hiện nay”, đại biểu Nguyện nêu.

Liên quan vấn đề này, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, trong sinh hoạt chính trị của thành phố đã đề cập rất nhiều đến lĩnh vực này.

Sự kiện - Đà Nẵng đưa kiến nghị giải pháp cán bộ né trách nhiệm, sợ sai (Hình 2).

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng.

Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có những biểu hiện tích cực, đặc biệt là hạn chế thấp nhất 10 biểu hiện đã chỉ ra tại Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

“UBND thành phố Đà Nẵng và các ngành liên quan hết sức chú ý đến trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ gắn với chế tài xử lý cán bộ có 10 biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm”, ông Triết thông tin.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/da-nang-dua-kien-nghi-giai-phap-can-bo-ne-trach-nhiem-so-sai-a32574.html