Tạo hệ sinh thái ứng dụng trên nền tảng 5G
Ngày 11/12, tại Quảng Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp số đã chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc ứng dụng số tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trong thực tiễn giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.
Tham luận, ông Lý Quốc Chính- Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông (VNPT Technology) cho biết, 5G không chỉ là hạ tầng kết nối, mà còn liên quan đến các công nghệ như Cloud, IoT, AI, Big Data... tạo ra các ứng dụng cho doanh nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp tự đi theo cách riêng, sẽ tạo ra các ứng dụng rời rạc, không có lợi thế cạnh tranh về quy mô, gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, doanh nghiệp cần tạo ra một hệ sinh thái các ứng dụng trên nền tảng 5G. Hạ tầng của các nhà mạng làm nền tảng, khởi tạo các dịch vụ và ứng dụng, thông qua các mô hình B2C, B2B, B2D tạo một hệ sinh thái.
Cũng theo ông Lý Quốc Chính, một doanh nghiệp dù lớn, nhưng không thể giải quyết được hết các bài toán của tổ chức, doanh nghiệp. Chỉ tập trung vào mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ là không khả thi.
Do đó, để giải quyết vấn đề, ông Chính cho rằng cần một cộng đồng hệ sinh thái, đưa nó tới với các doanh nghiệp, hỗ trợ để cùng nhau phát triển. Để xây dựng hệ sinh thái, các doanh nghiệp lớn cần đứng ra dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tạo ra một cộng đồng lớn hơn, thông qua các hỗ trợ, chia sẻ lợi ích, gắn kết, giúp các thành phần trong hệ sinh thái có thể phát triển cộng sinh.
VNPT mong Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể giúp các doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam mạnh dạn đầu tư để phát triển và vận hành các hệ sinh thái dịch vụ số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Có hành lang pháp lý hoặc cơ chế hỗ trợ các cho các doanh nghiệp nhỏ mạnh dạn khi tham gia vào hệ sinh thái, tránh "trăm hoa đua nở," gây lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, để phát triển nền công nghiệp IoT bền vững, đề nghị Chính phủ xây dựng chiến lược đào tạo đồng bộ, tái cấu trúc nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu cụ thể của từng ngành dọc.
Để phát triển công nghiệp IoT gắn liền với phát triển công nghiệp điện tử và viễn thông hiệu quả, VNPT cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị IoT, trong đó có phần thiết kế chế tạo chip bán dẫn, cảm biến, thiết bị nhúng... dùng cho IoT.
Doanh nghiệp phải đưa AI vào con chip
Chia sẻ tại diễn đàn với chủ đề "FPT từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn", ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT cho biết, tại Việt Nam, năm 2022, ngành xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD.
Theo Tổng Giám đốc FPT, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vô cùng lớn, nhưng cũng cần đặt ra câu hỏi "chúng ta sẽ tham gia bằng cách nào?".
Ở góc độ là một doanh nghiệp, FPT trong ngắn hạn sẽ tập trung thiết kế, đóng gói, kiểm thử. Trong trung hạn là xây dựng tổ hợp, chuỗi sản xuất chip và dài hạn là làm chủ công nghệ lõi, tập trung vào các ngành phát triển mạnh trên thế giới như năng lượng, xe điện, IoT. Hơn nữa tất cả doanh nghiệp phải đưa AI vào con chip.
Tổng Giám đốc FPT khẳng định: "Tinh thần sáng tạo, năng lực tự nhiên của người Việt Nam đã đến lúc được phát triển. Tôi tin rằng trong thời gian tới, khi Chính phủ tạo ra các hành lang về pháp lý, cơ chế tốt, người Việt Nam sẽ tạo ra những di sản về công nghệ trên thế giới, tham gia chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu".
Xây dựng hệ sinh thái công nghệ du lịch thông minh
Ông Nguyễn Tuấn Huy- Trưởng Ban Chuyển đổi số Tổng Công ty viễn thông MobiFone, chia sẻ đơn vị đã chuyển từ một nhà mạng viễn thông sang nhà cung cấp hạ tầng số, dịch vụ số, giải pháp số, nền tảng số.
Theo ông Huy, 5G đang hỗ trợ phát triển ngành du lịch như: Kết nối robot giám sát sân bay, kết nối chia sẻ thông tin du lịch mạng xã hội, đảm bảo các hành trình diễn ra thông suốt, hỗ trợ (trợ lý) tại các sân bay, smart hotel, hỗ trợ truyền thông tin khẩn cấp tại sự kiện (khu du lịch)...
MobiFone muốn xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, hoàn chỉnh, nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng MobiFone Smart Travel Ecosystem.
Trong đó, cơ sở dữ liệu tập trung vào: Quản lý các thông tin lưu trú, các điểm đến, khu vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển, đơn vị lữ hành, khu vực công cộng, chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, MobiFone đang phát triển ứng dụng MobiFone Smart Travel dựa trên hành trình du lịch của khách hàng để lựa chọn phương án hợp lý nhất cho chuyến đi.
Ứng dụng này là ứng dụng duy nhất có kết nối mở, liên thông tới 63 tỉnh thành cũng như các nước trên thế giới. Tích hợp công nghệ VR360/ AR/ AI Chat GPT ngay trên app mà hiện nay chưa ứng dụng nào có.
Đáp ứng đầy đủ các tính năng cho hành trình du lịch trọn vẹn, chất lượng cao, trải nghiệm phong phú từ: Đi đâu? Ở đâu? Ăn gì? Chơi gì? Booking, Livestream...
Trưởng Ban Chuyển đổi số Tổng Công ty viễn thông MobiFone mong muốn chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch, mở rộng không gian du lịch, tăng cường trải nghiệm khách hàng, tăng doanh thu, tăng tập khách hàng cho doanh nghiệp...
Mang dịch vụ công nghệ số Việt Nam ra toàn cầu
Đánh giá về lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, ông Phạm Thái Sơn - Tổng giám đốc Công ty NTQ Solution nhấn mạnh bốn yếu tố, trong đó có độ phủ sóng hạ tầng băng thông rộng.
Hiện 77,9% số người sử dụng internet tại Việt Nam, chiếm gần 80% dân số. Hà Nội và Tp.HCM cũng nằm trong top các thành phố năng động trên thế giới. Ngoài ra, nguồn nhân sự khoảng 1,5 triệu nhân sự ngành ICT, hơn 530.000 lập trình viên, kỹ sư. Chi phí dịch dịch vụ IT chỉ chiếm 1/3-1/4 nếu so với chi phí tại nước bản địa.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm của NTQ, ông Phạm Thái Sơn cho biết, để mang sản phẩm ra thế giới, NTQ luôn đặt ra các câu hỏi: Làm thế nào để triển khai dịch vụ? Con người cần có? Cần đầu tư gì? Tiêu chuẩn gì? Phương tiện gì cần có?
"Chúng tôi phát triển các trung tâm sản xuất dịch vụ phần mềm, đặt cơ sở ở quốc tế mô hình Global Development Center. Những ngày đầu, NTQ đi bán hàng bằng mô hình "mồi câu"", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Việt Nam chính là thị trường "mồi câu" cho các dịch vụ, doanh nghiệp Việt có thể mở rộng thị trường. Ngoài chiến lược mồi câu, NTQ cũng có ba chiến lược khác như: 4P Partner – phát triển đối tác kinh doanh; M&A – sáp nhập các doanh nghiệp có năng lực lõi; Global Citizens – mang tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Nhờ chiến lược này, NTQ hiện có 1.300 nhân sự toàn cầu, hợp tác trên 300 khách hàng, hiện diện ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/doanh-nghiep-hien-ke-dua-dich-vu-cong-nghe-so-viet-nam-ra-toan-cau-a32491.html