Công nghệ xây đường sắt “khủng” của láng giềng Việt Nam: Xây cao tốc vượt biển tốc độ tới 350km/h, vượt sóng gió, chống mòn

Việc xây dựng đoạn đường sắt qua biển đã vượt qua các thách thức tự nhiên như gió mạnh, sóng cao, nước sâu và tính chất ăn mòn của môi trường biển.

Công nghệ xây đường sắt “khủng” của láng giềng Việt Nam: Xây cao tốc vượt biển tốc độ tới 350km/h, vượt sóng gió, chống mòn - Ảnh 1.

Cuối tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên, có vận tốc tối đa lên tới 350km/h. Tuyến đường sắt dài 277km (trong đó có 19,9km xây dựng trên biển) khởi hành từ Phúc Châu, đi qua các thành phố Phủ Điền, Tuyền Châu, Hạ Môn và kết thúc ở Chương Châu. Thời gian di chuyển giữa Phúc Châu – Hạ Môn giờ đây được rút ngắn xuống còn 55 phút thay vì gần 2 tiếng như trước đây.

Công trình được xây dựng từ năm 2017 và có tổng vốn đầu tư hơn 7,2 tỷ USD. Giám đốc dự án cho biết việc xây dựng đoạn đường sắt qua biển đã vượt qua các thách thức tự nhiên như gió mạnh, sóng cao, nước sâu và tính chất ăn mòn của môi trường biển. Đồng thời, tuyến đường sắt đã được thiết kế để tăng cường khả năng chống lại động đất khi đi qua những khu vực có nguy cơ cao.

Công nghệ xây đường sắt “khủng” của láng giềng Việt Nam: Xây cao tốc vượt biển tốc độ tới 350km/h, vượt sóng gió, chống mòn - Ảnh 2.

Đây là tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên ở Trung Quốc (Ảnh: CGTN).

Tuyến đường sắt được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, thông minh như Internet vạn vật và hệ thống điện toán biên. Đáng chú ý, dự án này sử dụng robot thông minh để xây dựng đường ray được làm bằng thép chống ăn mòn, theo CNN.

Lắp đặt cột và cáp treo là công việc đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi phải làm việc ở trên cao với áp lực lớn. Các kỹ sư đường sắt Trung Quốc đã tạo ra công nghệ xây dựng tự động, sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu kỹ thuật số và hệ thống thông minh để lắp ráp, vận chuyển và xây dựng.

Cảm biến tự động làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu thời gian thực từ công trường. Sau đó, chúng gửi dữ liệu đến nhà kho thông minh nơi hệ thống lưu trữ và truy xuất tự động định vị và gửi vật liệu đến nhà máy thông minh để lắp ráp. Các thành phần đã hoàn thành sau đó được vận chuyển bằng xe không người lái đến công trường.

Cánh tay robot được trang bị cảm biến và camera sẽ phát hiện và điều chỉnh vị trí của các bộ phận rồi đặt chúng vào đúng vị trí. Tuy nhiên, ngay cả robot cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình này. Theo các kỹ sư, trí tuệ nhân tạo (AI) chính là giải pháp.

Nhờ áp dụng AI, robot tại công trường có thể sử dụng thuật toán nhận dạng hình ảnh và trích xuất dữ liệu để lập kế hoạch lắp ráp với độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, AI cũng cho phép robot hoạt động trong nhiều điều kiện thời tiết bất lợi khác nhau và linh hoạt di chuyển giữa các địa điểm tại công trường để tăng tính hiệu quả.

Công nghệ xây đường sắt “khủng” của láng giềng Việt Nam: Xây cao tốc vượt biển tốc độ tới 350km/h, vượt sóng gió, chống mòn - Ảnh 3.

Ga tàu Bắc Hạ Môn (Ảnh: CGTN).

Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vượt biển đầu tiên của Trung Quốc đã cho thấy chất lượng, hiệu quả, sự an toàn và tuổi thọ của công trình được gia tăng đáng kể nhờ áp dụng các thiết bị tự động và công nghệ kỹ thuật số.

Dù mới chỉ bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc cách đây 15 năm nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng khi sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 40.000 km.

Năm 2018, Trung Quốc đã trình làng một cỗ máy tự động có thể đặt đường ray với tốc độ 1,5km mỗi ngày. Đến năm 2021, độ chính xác của cỗ máy đã được cải thiện và khả năng làm việc 24/7 của nó cho phép tự động lắp đặt 2km đường ray mỗi ngày.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/cong-nghe-xay-duong-sat-khung-cua-lang-gieng-viet-nam-xay-cao-toc-vuot-bien-toc-do-toi-350kmh-vuot-song-gio-chong-mon-a29938.html