Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều 5/10, ngoài lãnh đạo Bộ còn có đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước việt Nam và đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, ngày một tinh vi hơn. Trung bình mỗi tuần, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận khoảng 400 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo, trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền...
3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trong tháng 9/2023
Trong tháng 9/2023, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất gồm: giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.
Cụ thể, ở trường hợp giả mạo website, các đối tượng lợi dụng sự kiện ra mắt sản phẩm mới của Apple để lập các trang web giả mạo, quảng cáo bán iPhone 15 với khuyến mãi hấp dẫn, đề nghị người mua đặt cọc tiền… Ngoài ra còn có trường hợp giả mạo website của nền tảng Ticketbox để lừa đảo bán vé sự kiện của Westlife…
Ở trường hợp lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén, một số đối tượng đã thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân của học sinh thông qua những đường link "khảo sát". Trong khi đó, có đối tượng lại phát tán mã giới thiệu ứng dụng siêu thị trực tuyến có chứa mã độc để xâm nhập thiết bị người dùng, từ đó đánh cắp dữ liệu cá nhân.
Ở trường hợp lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR, các mã QR lừa đảo thường dẫn tới các trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu nhập thông tin cá nhân, mã OTP hoặc tới các trang quảng cáo cờ bạc để cài mã độc vào thiết bị của người dùng, từ đó chiếm quyền điều khiển, thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng.
Chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an - cho rằng, tội phạm công nghệ cao hiện nay có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn.
Thượng tá Phạm Công Hải - đại diện Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an - phát biểu tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông
"Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi lên, bao gồm sử dụng phần mềm Deepfake tạo video giả mạo người thân hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước, dùng trạm phát sóng giả phát tán tin nhắn, dùng dữ liệu cá nhân mua bán trái phép để tạo danh tính giả..." - Thượng tá Phạm Công Hải chia sẻ.
Đại diện Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết, trong 9 tháng qua, Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp rà soát và ngăn chặn trên 2.400 trang web, tài khoản, ứng dụng vi phạm pháp luật. Đây là các địa chỉ quảng cáo cờ bạc, mua bán chất kích thích, văn hóa phẩm đồi trụy, nội dung vi phạm bản quyền.
Bộ Công an cũng đã triệt phá nhiều đường dây có yếu tố người nước ngoài, các nhóm lừa đảo đặt trụ sở tại nước ngoài, sau đó lôi kéo người Việt Nam tham gia hoạt động cờ bạc, lừa đảo. Tuy nhiên, tình trạng tội phạm công nghệ cao vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Theo Thượng tá Phạm Công Hải, nguyên nhân là bởi các đối tượng lợi dụng các thế mạnh của công nghệ thông tin như tính mã hóa, bảo mật, xuyên biên giới để thực hiện các hành vi phạm tội. Trong khi đó, quá trình điều tra, xử lý lại lại tốn nhiều thời gian, công sức.
Nâng cao cảnh giác để phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Để phòng tránh lừa đảo trực tuyến, đại diện Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05), Bộ Công an khuyến cáo, người dân nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước hay lực lượng công an thông báo điều tra các vụ án.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó.
Tuyệt đối không nhấn vào các đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.
Khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi hay video người thân qua các ứng dụng mạng xã hội yêu cầu vay tiền, chuyển tiền, người dùng cần xác nhận lại thông tin, tìm cách xác thực qua gặp mặt trực tiếp hoặc gọi điện.
Luôn kiểm tra kỹ thông tin website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến bởi các website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn như dùng giao thức "https".
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết.