Hoàng Văn Khoa (PewPew) là người nói không với drama, giờ đây dành ưu tiên cho sự bình yên của bản thân và gia đình. Hơn 1 tháng trước, anh đã quyết định bắt đầu livestream bán hàng trên TikTok vì sở thích siêu dị của mình.
Mới đây, anh được mời và trở thành thành viên Hội đồng thẩm định của giải thưởng mang tầm quốc gia có tên Better Choices Awards 2023. Đây là giải thưởng do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Công ty cổ phần VCCorp đồng tổ chức, nhằm tôn vinh những đổi mới sáng tạo, mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và tạo ra những giá trị khác biệt cho cộng đồng.
Livestream bán hàng trên TikTok có gì khác so với những loại hình kinh doanh trước đây mà PewPew đã từng làm?
Mỗi loại hình kinh doanh sẽ có một đặc trưng riêng. Không biết mọi người như thế nào nhưng tôi có một thú vui hơi phụ nữ một tý, nói dân dã là thích kì kèo, còn chuyên nghiệp hơn là “làm deal”.
Tức là tôi đứng ở giữa, một bên là khán giả, khách hàng, một bên là nhãn hàng, làm sao để khách hàng có thể mua được hàng chất lượng với giá tốt nhất, còn nhãn hàng cũng có thể bán được hàng và có lợi nhuận. Tôi không có mục tiêu kiểu “đạp giá” hay “sập sàn” để bán thật nhanh và nhiều vì nó không bền được, chỉ phù hợp để marketing thôi.
Livestream bán hàng trên TikTok cũng cần có kế hoạch rõ ràng, ví dụ tuần này bán đồ gia dụng thì tuần sau anh phải bán quần áo, hôm nay bán quần áo thì tuần sau phải bán tẩy rửa, bán đồ tẩy rửa phải đi kèm với nhãn hàng hương thơm. Đã bán đủ thứ rồi thì lại tìm đồ mới để bán, ví dụ như bán quần áo mặc bên ngoài có thì phải có quần áo lót.
Việc lên chiến lược bán hàng là đều hấp dẫn tôi, tôi cảm thấy mỗi một tuần đều có nhiều thú vị mới.
Kinh nghiệm hơn 10 năm làm streamer và là một trong Tứ hoàng của ngành game Việt có giúp gì anh trong việc làm livestream bán hàng trên Tik Tok không?
Chắc chắn có và rất nhiều là đằng khác. Một người làm livestream tới hơn 10 năm thì cái gì cũng đã trải qua: từ chơi game, ra sự kiện, làm MC, talk show, giao lưu hay làm host… Khi làm bán hàng, tất cả các kinh nghiệm đó đều được sử dụng hết.
Khi bạn bán hàng, sẽ có những người đặt câu hỏi không phải để mua hàng, có những người hỏi chỉ để thể hiện cảm xúc là “Tôi không vui với sản phẩm của bạn!”… mà cái đó thì khi làm streamer tôi cũng đã trải qua rồi.
Vậy anh có thể chia sẻ những bài học quan trọng khi chuyển từ một streamer sang livestream bán hàng?
Kinh nghiệm thì rất nhiều nhưng tổng hợp lại có 3 bài học quan trọng. Điều thứ nhất, luôn nhớ rằng mình đang trực tuyến, không chỉnh sửa được. Có rất nhiều bạn đang quên điều đó.
Điều thứ hai, khán giả cũng là khách hàng mà khách hàng cũng là khán giả. Hôm nay, họ là khán giả thì mai có thể là khách hàng, hôm nay họ là khách hàng cũng có thể mai lại là khán giả, đừng quá tách biệt 2 điều này.
Điều cuối cùng, càng thật với bản thân thì bạn sẽ càng đỡ mệt khi livestream. Bởi không giống như việc lên hát một bài hay đứng phát biểu một lúc, đó là một khoảng thời gian rất dài, từ 4 đến 8 tiếng mà cứ phải gồng lên thì chắc chỉ được vài năm là sẽ nghỉ vì… quá mệt.
Theo kinh nghiệm của Pew Pew, làm thế nào để có nhiều người xem khi livestream bán hàng?
Có lẽ câu trả lời của tôi sẽ làm bạn thất vọng. Đến bản thân tôi cũng không nghĩ sẽ có nhiều người xem đến như thế ngay trong buổi đầu tiên livestream bán giấy vệ sinh trên Tiktok vì là shop mới. Tôi chỉ cố gắng để lên livestream và nói rằng tôi có bán giấy vệ sinh ướt tự hủy và nói chuyện với mọi người thôi!
Buổi hôm đó, người xem bắt đầu từ 1.000 lên 2.000 – cái này tôi trải qua nhiều rồi, rồi lên 5.000 người. Tôi nghĩ có cái gì đó sai sai bởi 5.000 người đồng thời vào xem tôi bán giấy vệ sinh. Nhưng đùng một cái số người “giật” lên 12.000. Lúc đó, tôi nghĩ: “Hay là view ảo nhỉ?” và gọi cho các bên hỏi thì họ bảo không phải.
Bỗng dưng có một vài người bạn gọi điện cho tôi khi con số lên tới 17.000. Ôi trời ơi, tôi không thể tin được. Nhưng vài ngày sau khi tiếp tục livestream bán hàng và số lượng người xem đồng thời vẫn ở mức vài nghìn thì tôi nghĩ là đúng. Không ai fake mãi được như vậy (cười).
Mọi người hay hỏi tôi về bí quyết livestream, nhưng thực sự tôi không có bí quyết nào để trả lời. Tôi chỉ cố gắng chia sẻ tất cả những gì mình biết với các câu hỏi của khách hàng, tạo không khí vui vẻ nhất có thể và mọi người cứ thế vào xem thôi. Thực sự là như vậy!
Cái tên Tiệm tạp hóa PewPew trên Tik Tok bắt nguồn từ đâu?
Khi ngồi chia sẻ với anh em về bán giấy vệ sinh, mọi người hỏi rất nhiều về những sản phẩm khác. Thực ra là tôi nói chuyện vui thì mọi người hỏi thôi. Thế tôi mới nói: “OK! Tôi không có tất cả mọi thứ mọi người hỏi, nhưng không sao cả. Tôi sẽ cố gắng tìm thông tin để đáp ứng yêu cầu của bạn. Còn luôn có lựa chọn là giấy vệ sinh của tôi ở đây nè, bạn có mua không (cười)”.
Nhưng sau đó, mọi người vẫn cứ hỏi, hỏi, hỏi… thì người thân của tôi ở gần đó có cái tiệm tạp hóa nên chạy ra đó giới thiệu. Rồi mọi người cứ ghẹo, bên Tik Tok lại đề nghị bán hỗn hợp các nhãn hàng khác nhau thì lại bán được thật, mà bán tốt. Thế mọi người lại ghẹo là: “Tiệm tạp hóa bán đủ thứ!”…
Sau mọi người mới bảo tôi, để luôn tên trên TikTok là “Tiệm tạp hóa PewPew” đi. Nói chung là cũng chẳng có kế hoạch nào cả. Mọi người thấy vui và cứ làm như thế luôn thôi.
Với việc mọi thứ đều đến một cách rất ngẫu nhiên như vậy, đến bây giờ, Pew Pew cảm thấy như thế nào về ngã rẽ mới của mình?
Tôi có thể trả lời một cách rất thẳng thắn bằng một câu mà người bạn nói với tôi: “Mày đang bắt đầu làm giống một cái startup mà người ta phải đầu tư rất nhiều đấy!”. Sau câu nói đó, tôi mới tìm hiểu thì thấy rằng có nhiều bên họ phải góp vốn, tìm KOL, KOC trong ngành muốn kinh doanh, tìm mặt hàng, tìm đối tác, rồi setup background, máy móc, thuê nhà…
Nói chung là họ phải làm nhiều thứ rất nghiêm túc, mất nhiều công sức thì mới tạm ổn. Còn tôi thì “Bùm!”, mọi thứ thay đổi nhanh quá. Tôi mới chỉ livestream bán hàng trên Tik Tok có hơn 3 tuần mà đã bắt đầu phải tính tới một kế hoạch và quy mô khác rồi.
Team của tôi đã gần 10 người dù không phải muốn làm cái gì ghê gớm cả. Nhưng nếu không có thêm người, định hướng rõ ràng, kế hoạch tốt thì không thể phục vụ khách hàng của mình chu đáo được. Mà tôi thì không muốn một khách hàng nào không vui dù chỉ mua của tôi một sản phẩm có 5.000 đồng hay 10.000 đồng. Đã mua sản phẩm của mình thì phải phục vụ họ đến cùng.
Còn nói chân thành thì đến bây giờ vẫn còn nhiều thứ rất ngẫu nhiên nhưng mọi thứ rất thuận lợi. Chắc chỉ khoảng 1-2 tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ không còn phải livestream ở nhà kho nữa.
Sau nhiều trải nghiệm, PewPew rút ra được bài học gì?
Tôi có 2 điều tâm niệm thôi. Thứ nhất, hãy sống trọn vẹn cho ngày hôm nay, sống trọn vẹn cho giây phút này. Thứ hai, tôn trọng quá khứ, hướng tới tương lai tương lai. Đó là hai điều tôi hay nói với mình mỗi ngày. Nghĩ như vậy, tôi thấy mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều.
Với tôi, trong kinh doanh, lỗ không sao cả. Khi lỗ, tôi sẽ cùng với đội vận hành lý giải lỗ vì điều gì. Tôi quan điểm mọi thứ rất nhẹ nhàng. Thú thực, tôi chưa bao giờ biết cảm giác có nhiều tiền là như thế nào. Thiếu quen rồi, không đầy đủ quen rồi nên bỗng dưng có một chút, tôi thấy rất trân trọng và không bị quá căng thẳng.
Đến bây giờ, tôi vẫn ở nhà thuê, đến đây bằng Grab ( Pew Pew đến sự kiện Better Choice Awards 2023 với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định ), và cũng chưa có cái gì cả. Thế nhưng, tôi cũng không cảm thấy mình thiếu hay thấy mình phải nhanh chóng cái gì cả.
Thế nên, tôi tôn trọng quá khứ của chính mình trước và tôn trọng quá khứ của mọi người. Tôi trước đây là người bình thường thì bây giờ cũng thế, chẳng có gì thay đổi cả. Tôi hướng đến một tương lai và hy vọng sau này sẽ tươi sáng hơn. Với tôi, có nhiều tiền thì vui mà không có thì mình vẫn vui.
Từ khi lấy vợ, cuộc sống của PewPew thay đổi thế nào?
Tôi rất là tôn trọng bạn vợ. Tôi là người làm rất nhiều và đầu nhảy số liên tục, với những dự án nhiều khi chẳng liên quan đến nhau. Vợ tôi là người học ngành nghệ thuật, bạn ấy học sân khấu ra để làm biên kịch.
Nhưng mà sau khi quen tôi và hai đứa đồng thuận đi một con đường dài hơi với nhau, bạn ấy không những là cùng đồng hành ở cả mặt kinh doanh mà vẫn đảm bảo được công việc của bạn ấy.
Bạn ấy cũng có những dự án riêng, có những công việc riêng, cũng làm rất nhiều ngành nghề không giống nhau, không liên quan với nhau mà vẫn đảm bảo được việc nhà. Đến bây giờ về nhà, tôi vẫn không phải nấu cơm.
Tôi cũng không hình dung được là bạn ấy làm như thế nào nhưng bằng cách nào đó đến bây giờ tôi chưa có một điều gì để phàn nàn. Bạn ấy chính là “superwomen” của đời tôi.