Ngày 27-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tham dự các hoạt động của lễ quốc tang cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tại thủ đô Tokyo.
Trong thời gian ở Nhật Bản tham dự quốc tang, ngày 26-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng Dân chủ Tự do, quốc hội, chính phủ, nhân dân Nhật Bản cùng gia quyến cựu Thủ tướng Abe, người bạn lớn, thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam; khẳng định lãnh đạo và nhân dân Việt Nam ghi nhớ những tình cảm và đóng góp quan trọng của cựu Thủ tướng Abe Shinzo trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn trân trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản; coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng và lâu dài, ủng hộ Nhật Bản đóng góp tích cực cho hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và qua đó gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các lãnh đạo cấp cao Việt Nam về những tình cảm và sự coi trọng đặc biệt dành cho đất nước và nhân dân Nhật Bản cũng như đối với cá nhân cựu Thủ tướng Abe; khẳng định Nhật Bản đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo ngày 26-9 Ảnh: TTXVN
Hai nhà lãnh đạo nhất trí về phương hướng lớn nhằm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy hợp tác ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế hiệu quả, thực chất; tăng cường giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch…
Thủ tướng Kishida thông báo chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp kiểm dịch và cách ly sau nhập cảnh đối với Việt Nam; khôi phục chính sách miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ…
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế; xem xét thúc đẩy hợp tác chiến lược trên các lĩnh vực ưu tiên như cung cấp ODA thế hệ mới cho Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam công nghiệp hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Kishida khẳng định chính phủ Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh cải thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lao động người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam tại Nhật Bản; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản…
Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Hosoda Hiroyuki và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Otsuji Hidehisa.
Thắt chặt an ninh
Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp an ninh chặt chẽ ở thủ đô Tokyo trong thời gian diễn ra quốc tang của cố Thủ tướng Abe Shinzo. Tham dự sự kiện này có nhiều nhà lãnh đạo đương nhiệm và cựu quan chức nước ngoài, trong đó có Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly…
Báo chí địa phương cho biết khu vực dành cho người dân đến đặt hoa tưởng niệm sẽ được thiết lập tại một công viên gần nhà thi đấu Nippon Budokan, địa điểm chính diễn ra tang lễ. Người tới dâng hoa sẽ bị kiểm tra hành lý và hoạt động đi lại quanh khu vực này cũng bị hạn chế. Ngoại trừ hoa, người đến tưởng niệm không được phép mang đồ ăn hoặc thức uống, thú nhồi bông trong khi truyền thông bị hạn chế sử dụng máy tính cá nhân và máy ảnh.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến chi 1,66 tỉ yen (khoảng 11,6 triệu USD) cho lễ quốc tang, phần lớn chi phí dành cho an ninh. Trong ngày 27-9, Sở Cảnh sát Tokyo áp đặt các biện pháp an ninh cấp độ cao nhất, tương đương mức độ vào thời điểm tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo hồi năm ngoái, cũng như lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito vào năm 2019.
Trong số các biện pháp tăng cường an ninh có triển khai cảnh sát dọc các con phố, tăng cường cảnh báo tại ga Tokyo, các địa điểm có nhiều người tụ tập và thu thập thông tin để đề phòng kiểu tấn công khủng bố "sói đơn độc".
Số cảnh sát được huy động cho các hoạt động của quốc tang lên đến hơn 18.000 người. Do một số đoạn đường cao tốc ở thủ đô và các tuyến đường khác trong nội thành bị cấm, chính phủ yêu cầu người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Theo hãng tin Reuters, không phận bị phong tỏa trong phạm vi 46 km tính từ địa điểm tổ chức quốc tang, kéo dài từ ngày 26-9 đến 28-9. Trước đó, lực lượng đặc nhiệm và cảnh khuyển đã tăng cường tuần tra chống khủng bố tại các ga chính và sân bay Haneda ở Tokyo trong những ngày gần đây.
Xuân Mai
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/tran-trong-quan-he-viet-nam-nhat-ban-a2791.html