Sáng 26/9, theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Philippin) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4h ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4h ngày 29/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên khu vực trên khu vực phía Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, suy yếu và tan dần.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão đỗ bộ như Quảng Nam, Đà Nẵng... đang tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó thiên tai, đặc biệt là các kế hoạch sơ tán dân.
Tại Quảng Nam, địa phương này lên phương án di dời người dân đối với 2 tình huống là bão mạnh và siêu bão. Đối với tình huống bão mạnh, tỉnh sẽ tổ chức di dời 182.280 người, trong đó di dời tại chỗ 57.753 người; sơ tán 124.700 người. Đối với tình huống là siêu bão, tổ chức di dời 401.901 người, trong đó di dời tại chỗ 111.470 người; sơ tán 290.585 người.
Cơ quan chức năng nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường, đồng thời không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.
Tại Tp.Đà Nẵng, chính quyền và lực lượng chức năng đã lên phương án di dân ở các khu vực miền núi huyện Hòa Vang, các vùng ven biển, vùng nguy hiểm, vùng sạt lở đến nơi an toàn. Tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, người dân tiến hành đưa thuyền bè lên bờ từ chiều 25/9, các lực lượng chức năng rà soát nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt ở đèo Hải Vân, kè Kim Liên, hay các khu vực nguy cơ ngập lụt ven sông Cu Đê.
Tại các phường giáp biển như Nại Hiên Đông, Thọ Quang, quận Sơn Trà, công tác ứng phó thiên tai diễn ra tích cực. Theo báo cáo của Ban quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, tàu cá các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã về cập bến hơn 696 chiếc và hàng vạn lao động đang neo đậu tại âu thuyền.
Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ, đảm bảo an toàn cho nhân dân. Thành phố đã cho tạm dừng các cuộc họp chưa thật sự cần thiết vào thời điểm này để tập trung lực lượng đối phó với bão. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền đến người dân và du khách về tình hình, diễn biến của bão Noru.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/bao-noru-di-vao-bien-dong-suc-gio-giat-cap-16-17-a2727.html