Danh - không phải là danh nhân mà là danh thắng. Đẹp, hùng vĩ, hiểm trở…là những khái niệm trừu tượng, tùy thuộc cách nhìn và suy nghĩ từng người. Lạ, cao, dài, rộng… luôn cụ thể; dễ thống nhất. Danh thắng Việt Nam có núi, đèo, rừng, sông, hồ, thác. Lâu nay, chúng ta nói nhiều về "Tứ đại đỉnh đèo", "Tứ cực". Núi, sông, hồ, rừng ít được nhắc. Thác lại càng ít.
Chào cờ trên đỉnh Fansipan
Xin mạo muội đề xuất thống nhất cách gọi, thay cho "Tứ" là "Ngũ". Tất cả đều là "Ngũ danh … Việt"; chỉ khác chủ ngữ là "đèo, núi, rừng, sông, hồ, thác, cực".
Sau đây là đề xuất của ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours) về Ngũ danh Việt Nam. Mời bạn đọc góp ý, bổ sung.
NGŨ DANH ĐÈO VIỆT
Đứng đầu là đèo Ô Qui Hồ dài 50km, độ cao 2.035m (đèo cao nhất), ranh giới hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
Tiếp theo là Khau Phạ dài 35km, độ cao 1.300m, thuộc tỉnh Yên Bái.
Thứ 3 là đèo Pha Đin dài 32km, độ cao 1.648m, ranh giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Thứ 4 là đèo Mã Pí Lèng, dài 20km, độ cao 1.200m, ở tỉnh Hà Giang, được xem là đèo hiểm trở nhất.
Mã Pí Lèng (Hà Giang) - Ảnh: GIÀNG A PHỚN
Thứ 5 là đèo Hải Vân dài 20km, độ cao 500m, ranh giới Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đây là đèo duy nhất trong Ngũ danh đèo Việt giáp biển, có đường hầm bộ dài nhất Asean (6.280m) và Hải Vân Quan (Thiên hạ đệ nhất hùng quan).
Bốn đèo phía Bắc quanh năm săn mây, đèo Hải Vân là nơi uống cà phê đón bình minh cực chất.
NGŨ DANH NÚI VIỆT
Đầu bảng là núi Fansipan cao 3.143m, thuộc tỉnh Lào Cai. Từ năm 2016, khi cáp treo Fansipan mở ra, con đường trekking bị lãng quên. Với cáp treo, ai cũng có thể "chinh phục" nóc nhà Đông Dương trong nửa giờ.
Nụ hôn trên đỉnh Fansipan .Ảnh: NGỌC VŨ (TP Hà Nội)
Tiếp theo là Pasilung cao 3.080m, thuộc tỉnh Lai Châu, sát biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Thứ 3 là Putaleng cao 3.049m, cũng thuộc tỉnh Lai Châu.
Thứ 4 là Kỳ Quan San cao 3.046m, nằm ở ranh giới hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Thứ 5 là Khuong Su Van cao 3.012m, thuộc tỉnh Lai Châu.
Ngũ Danh Núi Việt đều thuộc hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Fansipan đã có cáp treo, nên chọn Putaleng thay thế với các cuộc thi leo núi hằng năm.
NGŨ DANH RỪNG VIỆT (Vườn quốc gia)
Rộng nhất là Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), di sản thế giới với 123.326ha, bao gồm cả quần thể hang động như Sơn Đoòng (nhất thế giới), Thiên Đường, Phong Nha, Tiên Sơn, Tú Làn…
Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình)
Tiếp đến là Yok Đôn (Đak Lak) với 115.545ha; rừng khộp đặc dụng, rừng thưa lá rộng, rụng theo mùa, chủ yếu là họ Dầu; khu bảo tồn voi.
Thứ 3 là Pu Mat (Nghệ An) với 91.113ha; giáp biên giới Việt Nam – Lào; có thác Kem hùng vĩ, rừng săng lẻ (bằng lăng, thao lao) và tộc người Đan Lai độc đáo với tục ngủ ngồi, đẻ ngồi...
Thứ 4 là Sông Tranh (Quảng Nam) với 76.670ha. Sinh sau đẻ muộn (thành lập tháng 12-2020) là khu bảo tồn hổ, nối kết rừng Trường Sơn và các di sản Hội An, Mỹ Sơn.
Thứ 5 là Cát Tiên thuộc các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước với 73.837ha. Vườn nhỏ nhất trong Ngũ danh rừng Việt nhưng đón khách du lịch nhiều nhất, có sông Đồng Nai và hồ Trị An (Ngũ danh sông và hồ Việt), nơi xem thú lý tưởng nhất Viêt Nam.
NGŨ DANH HỒ VIỆT
Rộng nhất là hồ Trị An 323km2 ở Đồng Nai (sông Đồng Nai), công suất 400MW (xếp thứ 6 Việt Nam); đang nâng công suất lên 600MW. Đây là vương quốc cá lìm kìm, cá cơm nước ngọt.
Tiếp đến là hồ Sơn La 224km2 ở Sơn La (sông Đà), công suất 2.400MW.
Thứ 3 là hồ Hòa Bình 218km2 ở Hòa Bình (sông Đà); công suất 1.920MW (xếp sau thủy điện Sơn La); nổi tiếng với cá lăng, cá trắm đen, cá thủy tinh (cá nến).
Thứ 4 là hồ Thác Bà 190km2 ở Yên Bái (sông Chảy); công suất 108MW; khởi công năm 1964, hoàn thành năm 1971 (đầu tiên ở Việt Nam); lừng danh với cá chày, cá thầu dầu (cá mương), cá nheo, cá ngạnh, chạch và mắm tép.
Thứ 5 là hồ Nà Hang 90km2 ở Tuyên Quang (sông Gâm); công suất 342MW; với các đặc sản cá anh vũ, cá chép dòn, cá rô đơn tính.
Cả 5 hồ đều là hồ thủy điện, công suất và dung tích không tỉ lệ thuận với diện tích. Hồ nào cũng cảnh quan cực đẹp; có nhiều đảo (nhiều nhất là Thác Bà, gần 1.300 đảo).
NGŨ DANH SÔNG VIỆT (chảy trong lãnh thổ)
Ngôi vương thuộc về sông Đồng Nai (Tây Nguyên và Đông Nam bộ) dài 586km. Các phụ lưu là sông Đa Nhim, Đa Hoai, La Ngà, Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ. Sông Đồng Nai có 9 thủy điện, sông La Nga 5 thủy điện, sông Bé có 6 thủy điện.
Đường ven sông Đồng Nai sẽ là điểm nhấn “xanh” cho đô thị Biên Hòa. Ảnh: NGUYỄN TUẦN
Tiếp theo là sông Đà 527km (Tây Bắc, Trung du); là phụ lưu chính của sông Hồng với hàng chục chi lưu bắt đầu bằng từ Nậm (tiếng Thái là nước). Có 54 thủy điện lớn nhỏ trên sông Đà và các chi lưu.
Thứ 3 là sông Hồng (sông Cái, sông Thao, Nhị Hà) 510km (Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng sông Hồng). Hai phụ lưu chính là sông Đà, sông Lô cùng hàng chục chi lưu. Các thủy điện chủ yếu là trên hai phụ lưu và các chi lưu.
Thứ 4 là sông Mã 410km (Điện Biên và Thanh Hóa) với 7 phụ lưu là sông Chu, Bưởi, Lũng, Luồng, Soi, Cầu Chày, Quan Hóa. Có 9 thủy điện trên dòng chính, 4 thủy điện trên phụ lưu.
Thứ 5 là sông Lam 362km (Nghệ An) với 6 phụ lưu là sông La, Hiếu, Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Giăng, Năm Giải. Có 4 thủy điện trên dòng chính và 4 trên các phụ lưu. Là biểu tượng của xứ Nghệ với đội bóng mang tên dòng sông.
Trong Ngũ Danh Sông Việt, chỉ có sông Đồng Nai bắt nguồn và chảy trọn vẹn trên lãnh thổ Viêt Nam. Sông Hồng, Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc; sông Mã, sông Lam bắt nguồn từ Lào. Sông Mekong 4.350km, dài thứ 12 thế giới nhưng chảy trên lãnh thổ Việt Nam chỉ 235km.
NGŨ DANH THÁC VIỆT
Đầu bảng là thác Đỗ Quyên (suối cùng tên) ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; cao độ 300m; trong vườn quốc gia Bạch Mã (độ cao 1.450m).
Kế đến là thác Bạc (suối Mường Hoa) ở phường Ô Qui Hồ, thị xã Sapa (độ cao 1.600m), tỉnh Lào Cai; cao chừng 200m, dưới chân đèo Ô Qui Hồ. Thi thoảng có tuyết phủ vào mùa đông.
Tiếp theo là thác Sương Mù (suối Gấu) ở xã Đa Mi (độ cao 700m), huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận; cao khoảng 100m; khó đi nhất, phải trekking 6km vượt rừng, lội suối và có dây chuyên dụng với hướng dẫn viên chuyên nghiệp để xuống thác. Đa Mi là xã duy nhất ở Việt Nam có 2 hồ thủy điện là Đa Mi (700ha), Hàm Thuận (2.500ha) và 3 thác lớn. Ngoài thác Sương Mù, còn có thác 9 Tầng, thác Mây Bay (Tè Trong).
Thứ 4 là thác Bản Giốc (sông Quây Sơn) ở xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác cao 70m, rộng gần 300m, sâu 60m; ngay biên giới Việt Nam – Trung Quốc, hùng vĩ và đẹp nhất Việt Nam lẫn Asean.
Thác Bản Giốc (tỉnh Cao Bằng) - Ảnh: NINH MẠNH THẮNG (tỉnh Ninh Bình)
Thứ 5 là thác Trắng (sông Phước Giang) ở xã Thanh An, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi; cao 60m, còn gọi là thác Bạch Kim. Thác dễ đi, xe hơi vào tận nơi, có dịch vụ tắm thác. Phía trên thác còn 2 tầng, có hồ trên núi rất đẹp.
Độ cao Ngũ Thác có sai số nhất định, cách tính cũng chưa thống nhất. Thác càng cao, dòng chảy càng hẹp. Lào Cai là tỉnh có nhiều thác đẹp. Thác Trắng, đặc biệt là thác Sương Mù; ít du khách biết.
Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/di-tim-ngu-danh-viet-nam-a2722.html