Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ Delft tại Hà Lan và trường Đại học Kỹ thuật EPFL của Thụy Sĩ đã hợp tác thành công với ChatGPT của OpenAI để thiết kế nên một loại robot thu hoạch cà chua, đánh dấu một kỷ nguyên mới về sự hợp tác giữa con người và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực robot.
Các nhà phát triển, bao gồm Cosimo Della Santina, Francesco Stella và Josie Hughes, bắt đầu dự án của họ bằng việc hỏi ChatGPT về những thách thức lớn nhất của nhân loại trong tương lai. Mục đích là để cung cấp cho hệ thống này toàn quyền kiểm soát với những gì nó nghĩ nó có thể làm để hỗ trợ kéo dài sự tồn tại của loài người. Sau khi thảo luận, ChatGPT đã quyết định tập trung vào việc cung cấp thực phẩm và cụ thể là tạo ra robot thu hoạch cà chua sau khi xem xét những lựa chọn khác.
Robot hái cà chua được thiết kế bởi ChatGPT và các nhà nghiên cứu từ Delft và EPFL.
Các nhà khoa học đề cao những đóng góp của ChatGPT trong cả giai đoạn lên ý tưởng và triển khai dự án. Theo Francesco Stella, "ChatGPT đã giúp đỡ các nhà thiết kế với những kiến thức từ các lĩnh vực chuyên môn khác. Ví dụ: nó đã chỉ cho chúng tôi những loại cây trồng nào sẽ có giá trị kinh tế nhất khi được tự động hóa".
ChatGPT cũng đưa ra những đề xuất hữu ích trong giai đoạn triển khai, như sử dụng silicone hoặc cao su làm dụng cụ kẹp để tránh làm nát cà chua và đề xuất ứng dụng động cơ Dynamixel trong việc điều khiển robot. Kết quả của sự hợp tác giữa con người và AI là một cánh tay robot có thể thành công thu hoạch cà chua.
Ứng dụng thực tế của cánh tay robot
Trong một bài báo trên trang Nature, các nhà nghiên cứu đã khám phá và nêu ra các mức độ hợp tác khác nhau giữa con người và các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT. Trong trường hợp cực đoan nhất, AI sẽ cung cấp tất cả đầu vào cho thiết kế robot và con người sẽ mù quáng tuân theo nó. Trong trường hợp này, LLM vừa là nhà nghiên cứu vừa là kỹ sư, trong khi con người chỉ đóng vai trò quản lý và đưa ra các mục tiêu thiết kế.
Chính kịch bản cực đoan này đã làm dấy lên lo ngại về những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào AI. Della Santina chỉ ra rằng những thông tin được cung cấp bởi LLM có thể gây hiểu nhầm nếu không được tìm hiểu và xác thực, vì các bot AI được thiết kế để đưa ra câu trả lời "có khả năng xảy ra cao nhất" cho một câu hỏi, chứ không nhất thiết phải là một câu trả lời luôn đúng, điều này có thể dẫn đến sự sai lệch thông tin hoặc những thiên kiến trong lĩnh vực robot. Các vấn đề khác của LLM bao gồm khó truy xuất nguồn gốc, đạo văn và đánh cắp tài sản trí tuệ.
Bất chấp những lo ngại này, các nhà nghiên cứu vẫn có kế hoạch sử dụng con robot thu hoạch cà chua này trong các nghiên cứu robot của họ và tiếp tục khám phá việc ứng dụng LLM trong những thiết kế robot mới. Họ đặc biệt quan tâm đến khả năng tự thiết kế cơ thể vật lý của AI. Stella kết thúc bài báo bằng cách đặt ra một câu hỏi mở cho tương lai của ngành robot: "Chúng ta sẽ sử dụng LLM như thế nào để có thể hỗ trợ các nhà phát triển robot mà không bị hạn chế khả năng sáng tạo của con người - điều vô cùng cần thiết để vượt qua những thách thức của ngành này trong thế kỷ 21?".
Dự án này đã chứng minh tiềm năng hợp tác giữa con người và AI trong chế tạo rô bốt, nhưng nó cũng đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải thận trọng và có tư duy phản biện khi kết hợp AI vào quá trình thiết kế. Trong bối cảnh AI đang không ngừng phát triển, điều quan trọng nhất đối với các nhà nghiên cứu và kỹ sư là đạt được sự cân bằng giữa việc tận dụng các khả năng của AI và duy trì sự giám sát và sáng tạo của con người.