Sau mặt trăng, Ấn Độ để mắt đến mặt trời

Tàu vũ trụ Aditya-L1 dự kiến được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota ngày 2-9 trong sứ mệnh nghiên cứu mặt trời đầu tiên của Ấn Độ.

Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết nếu mọi chuyện suôn sẻ, Aditya-L1 sẽ đến được điểm Lagrange 1 (L1) của hệ mặt trời - trái đất, cách trái đất khoảng 1,5 triệu km. 

Khi đến L1, tàu vũ trụ này sẽ triển khai 7 công cụ khác nhau để theo dõi các hoạt động mặt trời và tác động của chúng đối với thời tiết không gian theo thời gian thực. 

Ngoài ra, Aditya-L1 còn tìm hiểu về gió mặt trời, thứ có thể gây xáo trộn đối với từ quyển trái đất, làm gián đoạn hệ thống liên lạc và dẫn đường. Theo CNBC, chính phủ Ấn Độ đã dành ngân sách 46 triệu USD cho Aditya-L1 vào năm 2019 nhưng không công bố thêm thông tin cập nhật.

Sau mặt trăng, Ấn Độ để mắt đến mặt trời - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Aditya-L1 của Ấn Độ Ảnh: ISRO

ISRO công bố thông tin trên sau khi Ấn Độ hôm 23-8 trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới đưa tàu vũ trụ đáp xuống mặt trăng trong chương trình có ngân sách khoảng 75 triệu USD. 

Trong thời gian tới, nước này còn dự định phóng tàu Gaganyaan mang theo 3 phi hành gia lên quỹ đạo 400 km trong vòng 3 ngày trước khi trở về trái đất.

Ấn Độ làm nên lịch sử với tàu Chandrayaan-3

ISRO cho biết các thử nghiệm đang được tiến hành tại Trung tâm Vũ trụ Vikram Sarabhai và sứ mệnh nhiều khả năng được tiến hành trong năm 2024. Theo giới chức Ấn Độ, chương trình Gaganyaan đã được phân bổ khoảng 1,08 tỉ USD.

Một sứ mệnh khác là vệ tinh NASA-ISRO SAR (NISAR) do ISRO hợp tác với Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), cũng được dự định phóng vào tháng 1-2024. 

Theo Reuters, nhiệm vụ của NISAR là lập bản đồ toàn bộ hành tinh 12 ngày một lần, cung cấp dữ liệu về những thay đổi trong hệ sinh thái, khối băng, sinh khối thực vật, mức nước biển dâng, các thảm họa như động đất, sóng thần, núi lửa… 

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/sau-mat-trang-an-do-de-mat-den-mat-troi-a26036.html