Quản lý dịch vụ OTT vừa "mềm" vừa chặt

Việc quản lý dịch vụ OTT viễn thông không nên làm ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng, nhất là trong bối cảnh Messenger, Zalo, Viber, Instagram, Telegram... đã trở thành sự lựa chọn phổ biến nhờ tiện lợi, tiết kiệm.

OTT viễn thông là giải pháp cung cấp các dịch vụ như gọi điện, nhắn tin, chia sẻ hình ảnh và video miễn phí cho người dùng dựa trên nền tảng mạng internet. Thị trường dịch vụ OTT có khả năng tự điều tiết, người sử dụng có thể dễ dàng thay đổi nhà cung cấp theo nhu cầu riêng.

Sẽ quản lý "mềm"

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) trước khi đưa ra Quốc hội xem xét thông qua - dự kiến tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10-2023.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đề xuất đưa vào quản lý đối với dịch vụ OTT viễn thông bởi dịch vụ này ngày càng có ý nghĩa quan trọng nhưng chưa được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đề xuất một số quy định quản lý "mềm" để vừa thúc đẩy phát triển vừa bảo đảm sự lành mạnh. Cụ thể, hạ điều kiện đăng ký kinh doanh đối với dịch vụ OTT từ cấp phép xuống thông báo, đối với trung tâm từ cấp phép xuống đăng ký và đối với dịch vụ điện toán đám mây từ cấp phép xuống thông báo. Đáng chú ý, dự thảo luật chưa điều chỉnh tỉ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tức vẫn được cho phép tới 100%.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội, nêu quan điểm quản lý dịch vụ OTT viễn thông sẽ tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhiều nước quy định OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông, được quản lý theo pháp luật về viễn thông. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo luật quy định quản lý OTT linh hoạt, có độ mở, không cản trở việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp; chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

"Quản lý các dịch vụ OTT viễn thông như Messenger, Zalo, Viber, Instagram... là cần thiết vì các ứng dụng này đã trở thành phương tiện giao tiếp hằng ngày của người dân. Việc quản lý nhằm bảo đảm tính an toàn, ngăn chặn các hoạt động xấu, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, bảo vệ người dùng khỏi các hoạt động gian lận, lừa đảo" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhìn nhận.

Quản lý dịch vụ OTT vừa mềm vừa chặt - Ảnh 2.

Người sử dụng internet hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn dịch vụ OTT viễn thông, ví dụ Zalo, Skype, Messenger... Ảnh: VŨ VINH

Không ảnh hưởng quyền lợi người dùng

PGS-TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị cần tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và nhà mạng di động. Trong đó, bên cạnh yêu cầu nhà cung cấp OTT tuân thủ quy định về bảo mật thông tin, quyền riêng tư..., cần có quy định về nghĩa vụ đóng góp thuế, phí tương tự nhà mạng di động. "Điều này nhằm bảo đảm các nhà cung cấp OTT đóng góp đúng phần của họ vào nguồn lực chung" - ông Sơn lý giải thêm.

Về tranh cãi việc có nên quy định các nhà cung cấp dịch vụ OTT viễn thông phải đóng góp vào Quỹ Viễn thông công ích hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng dịch vụ OTT không gắn với hạ tầng viễn thông, không tốn chi phí nên có khả năng cạnh tranh lớn so với viễn thông truyền thống. Nếu không quy định các nhà cung cấp dịch vụ phải đóng góp vào Quỹ Viễn thông công ích thì vô hình trung nhóm này được ưu đãi cao hơn dịch vụ viễn thông truyền thống. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nhà cung ứng OTT trả tiền cho nhà mạng để sử dụng hạ tầng mạng trong khi nhà mạng đã đóng góp vào Quỹ Viễn thông công ích, do vậy về bản chất thì dịch vụ OTT đã đóng góp gián tiếp vào quỹ.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS, nhận định việc xây dựng quy định quản lý dịch vụ OTT đem lại lợi ích lớn trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người dùng. Tuy vậy, các nền tảng dịch vụ OTT chắc chắn sẽ phải có những thay đổi nhất định để đáp ứng yêu cầu của luật pháp và điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm cũng như tiện ích với người dùng.

"Đây không phải là lần đầu tiên việc quản lý dịch vụ OTT được đặt ra. Trước đây đã từng có những dịch vụ, tiện ích khác được đưa vào quản lý và thực tế cho thấy phần lớn quyền lợi và tiện ích cơ bản của người dùng vẫn được duy trì. Người dùng sẽ nhanh chóng thích nghi, không gặp nhiều bất tiện nếu có sự thay đổi từ nhà cung cấp dịch vụ" - ông Sơn nhìn nhận.

OTT phải trả tiền cho nhà mạng: Hệ quả gì?

Tại một hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gần đây, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, dẫn chứng việc chia sẻ doanh thu của OTT với nhà mạng di động đã từng được nêu ra tại Mỹ. Khi đó, một hãng viễn thông lớn ở Mỹ yêu cầu các dịch vụ internet băng thông lớn phải trả tiền cho họ. Sau nhiều tranh cãi, nước này không thay đổi quy định, vẫn tuân theo nguyên tắc Net Neutrality (tính trung lập về internet).

"Nếu yêu cầu các dịch vụ OTT phải trả tiền cho nhà cung cấp hạ tầng có thể dẫn đến tình trạng dịch vụ trả nhiều tiền được ưu tiên băng thông, còn dịch vụ không trả tiền sẽ bị "bóp". Điều này gây ảnh hưởng đến người dùng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ" - ông Thành cảnh báo.

"Ông lớn" công nghệ Google cho rằng nếu yêu cầu dịch vụ OTT đóng phí, trả tiền cho nhà mạng di dộng thì gánh nặng chi phí sẽ dồn lên người tiêu dùng, nhất là trong giai đoạn vật giá leo thang.

Link nội dung: https://dulichdoisong.vn/quan-ly-dich-vu-ott-vua-mem-vua-chat-a25761.html