Theo thông tin từ một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, tuyến cáp quang Asia Pacific Gateway - APG phải lùi lịch khôi phục vì 2 vấn đề mới được phát hiện trên các nhánh S1.9 và S9.
Trước đó, APG cũng gặp sự cố trên nhánh S1.7 từ tháng 6, khiến chưa thể trở lại hoạt động bình thường. Hiện tại, dung lượng trên hướng kết nối từ Việt Nam đi Singapore vẫn bị ảnh hưởng vì các vấn đề của tuyến cáp APG.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của sự cố lần này không lớn. Đây à kết quả của việc chuẩn bị trước cho các sự cố sau vấn đề liên quan tới cả 5 tuyến cáp bị ảnh hưởng hồi đầu năm nay.
Trước đó, đơn vị quản lý tuyến APG dự định hoàn thành việc sửa chữa trên nhánh S1.7 vào cuối tháng 8, sau đó lùi sang đầu tháng 9. Nhưng với 2 sự cố mới, đơn vị này chưa chưa có lịch khắc phục cụ thể.
Tuyến APG (Asia Pacific Gateway), là tuyến cáp quang biển quốc tế được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Tuyến cáp quang này có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm ở dưới biển Thái Bình Dương.
APG có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới mức 54 Tbps. Tuyến cáp biển này có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Hoạt động của tuyến bắt đầu gặp vấn đề từ cuối 2022, sau đó liên tiếp phát sinh các lỗi vào tháng 4, tháng 6 và tháng 8, khiến dung lượng chưa được khôi phục sau 8 tháng.
Hiện tại có 5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu). Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn là TVH, có chiều dài chỉ 3.367 km, kết nối Thái Lan, Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc).
Hồi đầu năm 2023, có giai đoạn cả 5 tuyến cáp quang biển từ Việt Nam ra quốc tế gồm APG, IA, AAG, AAE-1 và SMW3 cùng đứt, gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ. Đến nay, 4 tuyến cáp đã hoạt động trở lại bình thường.
Theo thống kê của Speedtest trong tháng 7, tốc độ Internet di động trung bình của Việt Nam đạt 48,29 Mpbs, tăng năm bậc và đứng thứ 45 toàn cầu. Tốc độ Internet cố định đạt 93,66 Mbps, đứng thứ 46.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia - thông tin, khi cáp quang bị đứt, chắc chắn lưu lượng trao đổi dữ liệu sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng này không chỉ có các đơn vị trong nước có sử dụng Internet phục vụ hoạt động doanh nghiệp mà còn cả các doanh nghiệp ở nước ngoài đang có làm ăn tại Việt Nam.
Những thiệt hại có thể nhìn thấy như: Doanh nghiệp sẽ mất thời gian để thực hiện công việc, hoặc phải thực hiện công việc lặp đi lặp lại nhiều lần do kết nối chập chờn. Một số doanh nghiệp sử dụng các hạ tầng cloud của nước ngoài còn gặp các sự cố như không thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, đặc biệt trong các lĩnh vực cần băng thông lớn như dịch vụ truyền hình, giáo dục trực tuyến…
Ngay sau khi xảy ra các sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nhiều phương án như chủ động, nhanh chóng phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố, đo đạc, xác định vị trí và loại sự cố để tiến hành sửa chữa khắc phục. Đồng thời, phối hợp các đối tác nước ngoài mua thêm dung lượng các tuyến cáp đất liền để mở rộng dung lượng và chuyển tải lưu lượng.