Laizhou được mệnh danh là “thành phố vàng” của Trung Quốc do sở hữu trữ lượng vàng lên tới hàng trăm tấn. Nền kinh tế của nơi đây được củng cố bởi ngành công nghiệp khai thác vàng nhưng cũng giống các khu vực khác, an toàn tại hầm mỏ là vấn đề khiến thành phố quan tâm.
Tuy nhiên giờ đây, nhờ các công nghệ viễn thông và trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, các mỏ khai thác ở Laizhou đang trải qua quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mạnh mẽ bằng cách áp dụng các giải pháp tự động hóa và không người lái tiên tiến.
Theo ChinaDaily, điều này giúp cải thiện năng suất cũng như tăng tính an toàn cho người lao động và có khả năng trở thành hình mẫu mà các khu mỏ trên thế giới muốn học theo.
Tại mỏ vàng Jiaojia, công nhân mỏ chỉ cần ngồi tại một văn phòng từ xa để điều khiển những chiếc xe vận chuyển vàng. Trong khi đó, tại mỏ vàng Sanshandao bên cạnh, thợ mỏ chỉ cần thao tác với nút bấm và tay cầm để điều khiển từ xa các loại máy xúc, máy nghiền.
Những hoạt động như vậy giải phóng người lao động khỏi môi trường làm việc nguy hiểm đồng thời cho thấy sự phát triển của công nghệ khai thác mỏ của đất nước tỷ dân.
Nhờ áp dụng công nghệ mới, Shandong Gold Group – chủ sở hữu 2 mỏ vàng Jiaojia và Sanshandao, đã chứng kiến hiệu quả sản xuất tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt lợi ích kinh tế trực tiếp hàng năm ở mức hơn 80 triệu nhân dân tệ (tương đương 11,6 triệu USD).
Cụ thể, việc điều khiển từ xa các máy khoan đá giúp giảm 80% số lượng người vận hành tại chỗ, đảm bảo an toàn cho thợ mỏ, tiết kiệm thời gian thay ca và tăng hiệu quả đáng kể. Trong khi đó, hệ thống đầu máy điện không người lái đã thực hiện việc vận chuyển và dỡ hàng tự động.
Tổng cộng, công nghệ thông minh đã giúp Shandong Gold Group cắt giảm hơn 3.046 công nhân khai thác ngầm, tiết kiệm 460 triệu nhân dân tệ (khoảng 66,7 triệu USD) trong tổng chi phí lao động.
Gã khổng lồ Huawei đã cung cấp một số công nghệ tiên tiến như mạng Wi-Fi 6 (chuẩn Wi-Fi mới nhất) cho phép điều khiển từ xa tại 2 mỏ vàng trên. WiFi-6 có thể hỗ trợ một loạt giải pháp sáng tạo như phương tiện tự động hay robot công nghiệp.
Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Huawei nhằm xây dựng các giải pháp thông minh tích hợp công nghệ thế hệ mới như 5G, Wi-Fi 6, Internet công nghiệp và AI để tăng cường hiệu quả và tính an toàn của hoạt động khai thác mỏ.
Ông Nhậm Chính Phi - người sáng lập Huawei, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2021: “Về ứng dụng 5G, hầu hết các công ty công nghệ thông tin và truyền thông trên thế giới không chọn khai thác mỏ làm điểm đột phá nhưng chúng tôi đã làm điều đó”.
Theo ông, Trung Quốc có hàng chục ngàn hầm mỏ và nếu Huawei có thể chuyển đổi kỹ thuật số thành công cho những mỏ đó, họ có thể cung cấp dịch vụ như vậy cho các mỏ trên toàn thế giới. “Chúng tôi hi vọng các khu mỏ sẽ không cần con người vận hành trong tương lai”, ông Nhậm cho biết thêm.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang đưa ra các chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để đảm bảo an toàn trong các khu mỏ. Năm ngoái, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã thông báo về việc thúc đẩy sử dụng công nghệ AI trong công nghiệp với trọng tâm là khai thác thông minh.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cũng đã cùng công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) cho ngành năng lượng, kêu gọi sử dụng rộng rãi hơn 5G, điện toán đám mây, Internet vạn vật và dữ liệu lớn trong các lĩnh vực như khai thác than.